Phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 22/07/2020, 18:21
Sáng 22/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đã đồng chủ trì và chỉ đạo Diễn đàn cấp cao về Năng lượng 2020. Sự kiện bao gồm 1 phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và 4 hội thảo chuyên đề.


Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao có quy mô lớn với sự tham gia trực tiếp của hơn 300 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế và trong nước tại Hội trường và khoảng gần 1.500 đại biểu tham gia tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 30 điểm cầu quốc tế. 

Phiên toàn thể tập trung vào Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 55; một số phát biểu về kinh nghiệm phát triển các phân ngành năng lượng của các Đại sứ, Tổ chức nước ngoài.

Toàn cảnh diễn đàn cao cấp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã khái quát tình hình phát triển năng lượng quốc gia trong giai đoạn 10 năm qua; theo đó, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. 

“Chúng ta đáp ứng được nhu cầu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng ở mức độ rất cao để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam trong 30 năm đổi mới và đặc biệt trong 10 năm vừa qua. Đặc biệt bên cạnh đó chúng ta còn đảm bảo được chủ trương nhất quán của Đảng là đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong sử dụng năng lượng. Đến nay mặc dù còn là một nước đang phát triển và mới ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng riêng lưới điện của Việt Nam phủ toàn bộ 100% lãnh thổ; có thể nói 99,98% số xã của Việt Nam có điện; 98,86% hộ gia đình của Việt Nam đã được sử dụng điện... Đó là những con số không phải nước nào cũng đạt được kể cả những nước có trình độ phát triển cao hơn ta. Điều đó thể hiện tính nhân văn của chế độ chính trị của chúng ta, thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là luôn luôn phải đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong mọi cơ chế chính sách, trong từng bước từng khâu của quá trình phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. 

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. 

Vì vậy, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.

Theo tính toán sơ bộ đến năm 2030, để đầu tư cho ngành năng lượng nói chung cần khoảng 150 tỷ USD, cho ngành điện nói riêng cũng cần xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là một thách thức với ngân sách Việt Nam- một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. 

“Chủ trương của Đảng là xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam, tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngay từ khi Nghị quyết 55 được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng rất đổi mới, đột phá trong lĩnh vực này”, đồng chí Nguyễn Văn Bình thông tin.

Điểm thứ 2, được đánh giá rất mới, đó là phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường. Lần này Đảng ta đã xác định trong phát triển năng lượng phải ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Còn về phân bổ năng lượng, trước đây, phân bổ một cách hài hòa, thì bây giờ phân bổ năng lượng dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương, và vị trí, vai trò của từng địa phương, từng khu vực trong chiến lược phát triển chung của đất nước. 

Một điểm mới nữa là Đảng xác định, việc ứng dụng khoa học công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển năng lượng hiện nay. Trước đây chúng ta chủ yếu nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu máy móc thiết bị, lần này Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu là phải từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và tiến tới sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng. Cuối cùng, tiết kiệm năng lượng là quốc sách của quốc gia; phải có giải pháp để làm sao cho tất cả doanh nghiệp và những người sử dụng điện của Việt Nam được trang bị các công cụ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Nhìn nhận mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam bao gồm tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế; xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. 

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường…

Trong Thư khuyến nghị về vấn đề chuyển đổi bền vững ngành năng lượng tại Việt Nam đề ngày 2/6/2020, được đồng ký bởi Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam thay mặt nhóm 16 vị Đại sứ là các thành viên của Nhóm không chính thức các Đại sứ về Hợp tác phát triển (IAGDC) gửi đến Thủ tướng Chính phủ và một số đồng chí lãnh đạo khác đã đánh giá “Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã được ban hành hết sức kịp thời, tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch”, “Nghị quyết này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách đầy tham vọng nhằm thực hiện các mục tiêu trên, đồng thời bằng các biện pháp ngăn chặn các nhà đầu tư đi ngược lại mục tiêu này”.
Hà An
.
.
.