“Mở cửa” cho kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:08
Được đánh giá là một trong những ngành kinh tế quan trọng và cơ bản của một quốc gia, quyết định sự tồn tại của nền sản xuất hiện đại, ngành năng lượng luôn được Chính phủ đặc biệt coi trọng để phát triển. Đợt dịch COVID-19 đi qua, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để phục hồi, trong đó có cơ hội để phát triển năng lượng mạnh mẽ.


Số liệu thống kê cho thấy, khi xây dựng kịch bản phát triển năm 2020, Nghị quyết của Quốc hội lấy mốc giá dầu 60 USD/thùng để xây dựng phương án thu ngân sách. Thế nhưng, tình hình sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu thế giới đã khiến cho kịch bản này đã bị phá vỡ. Theo tính toán, nếu giá dầu chỉ bằng 1 nửa so với kịch bản, tức ở mức trung bình 30 USD/thùng, thì doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giảm 22% so với kế hoạch năm, dẫn đến nộp ngân sách giảm 33% kế hoạch năm, tức hụt thu ngân sách sẽ vào gần 30 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói, việc sụt giảm này dẫn đến nhiều mỏ dầu đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải ngừng khai thác. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến thua lỗ, lượng tồn kho cao và đối mặt với nguy cơ “tank-top” (đầy kho).

Tiêu thụ xăng dầu sụt giảm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ lớn, sản xuất và kinh doanh phân đạm, xơ sợi gặp nhiều khó khăn. Song song với đó, công nghiệp khí và công nghiệp điện sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, nhiều mục tiêu đặt ra khó có thể hoàn thành, sản xuất điện từ than, dầu khí tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch.

Tại Nghị quyết 55-NQ/TW về phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã quán triệt sâu sắc việc phát triển năng lượng quốc gia hiệu quả và bền vững là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. “An ninh năng lượng gắn chặt với phát triển bền vững.

Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Cũng từ nhận định đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngành Năng lượng về nhiều mặt với phương châm "năng lượng phải đi trước một bước"- đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, trước hết, việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. “Không có kinh tế tư nhân không thể phát triển nhanh ngành điện đáp ứng yêu cầu, nhưng không có nhà nước thì không thể thực hiện được an ninh năng lượng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, do vậy cần phối hợp hết sức nhuần nhuyễn, bảo đảm đúng vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển ngành điện”, đồng chí Nguyễn Văn Bình phân tích.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở chính sách khuyến khích chung chung. Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Riêng với mục tiêu phát triển điện hạt nhân, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, chúng ta đã có chủ trương và có đề án, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, để phù hợp với thực tiễn và tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã quyết định dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

“Đầu tư trong lĩnh vực năng lượng cũng giống như việc “liệu cơm gắp mắm” trong cuộc sống hàng ngày. Phải tính toán, tìm hướng đi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình”, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết.

Hà An
.
.
.