Phát triển các hệ sinh thái ngân hàng số: Lợi thế đang nghiêng về… “sư tử”

Chủ Nhật, 11/04/2021, 12:46
Không hẳn những chú voi to lớn và cán lướt, hay những chú linh dương sải bước và nhanh nhẹn, lợi thế phát triển các hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam đang nghiêng về những sư tử đầu đàn.


Voi và linh dương là hình tượng từng được một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng Việt Nam dùng đến để nói về cạnh tranh phát triển ngân hàng số những năm gần đây.

Từng đảm nhiệm vị trí cao nhất của khối chuyên trách tại một số ngân hàng thương mại (NHTM), trong một lần trao đổi với báo chí, vị lãnh đạo trên dùng hình tượng linh dương và voi với hàm ý rằng: đã có những NHTM tầm trung, nhanh nhẹn và sớm đạt các đích quan trọng trong phát triển ngân hàng số, nhưng tầm cán lướt thuộc về “Big 4” (những NHTM nhà nước có quy mô lớn gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank).

Trên thực tế, cả linh dương và voi đều có những hạn chế nhất định. Còn hình tượng thứ ba - sư tử đang cho thấy lợi thế và sức mạnh thực sự.

“Lực bất tòng tâm”…

Trong một lần trả lời báo chí, một lãnh đạo cấp cao của TPBank đã chia sẻ hướng lựa chọn. Với hoạt động NHTM, hai chi phí lớn nhất là đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới và chi phí nhân sự. Chọn phát triển ngân hàng số, ngân hàng giảm thiểu và hạn chế được hai trọng số đó để tiến nhanh hơn. Và điều này góp phần giải thích cho TPBank sớm trở thành một linh dương trong hệ thống.

Thế nhưng, không hẳn tất cả đều thuận lợi, bởi có những giới hạn.

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, các NHTM chỉ được phép đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Phần lớn giới hạn này đã và đang được đầu tư vào hạ tầng, mạng lưới; tính linh hoạt và dư địa cho đầu tư công nghệ, phát triển ngân hàng số theo đó là có hạn.

Công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi cập nhật và đầu tư gần như không ngừng nghỉ. Điều này thể hiện rõ trong thực tiễn hoạt động các NHTM Việt Nam những năm gần đây, giai đoạn có thể nói bùng nổ về nhu cầu, yêu cầu phát triển hạ tầng ngân hàng số. Song, quy mô vốn điều lệ khó bùng nổ theo.

Nếu như các linh dương có quy mô gọn nhẹ hơn thì sức vốn có hạn hơn, thì những chú voi còn vướng cả tình thế “lực bất tòng tâm” kéo dài những năm qua.

Đó là hành trình tăng vốn gian nan của “Big 4” các NHTM nhà nước. Cho đến thời điểm này, dù cơ chế đã gợi mở sau 5 năm áp lực tăng vốn đặt ra, các bước cụ thể hóa vẫn chưa thể triển khai. Trong khi, hình tượng những chú voi gắn với cơ thể to lớn và cồng kênh, những bước tiến chuyển đổi số cùng với trở ngại tăng vốn điều lệ càng khiến họ kém lợi thế.

Lợi thế thực sự hiện nay đang thuộc về những sư tử trong hệ thống. Đó là những NHTMCP lớn có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, nguồn lực liên tục gia tăng với lộ trình tăng vốn đều đặn, nhanh những năm vừa qua và cũng như tới đây.

Đơn cử như HDBank vừa có năm tăng tới 60% vốn điều lệ; ACB, VIB có các đợt tăng vốn khá mạnh; VPBank và Techcombank đang có giai đoạn gần như tạm ngừng nhưng có dư địa các đợt tăng vốn mạnh trước đây; hay MB đều đặn tăng vốn điều lệ quy mô 15-20% mỗi năm, và dự kiến sẽ có bước gần 40% trong năm nay.

Hiệu quả lan tỏa nhanh chóng

Tại những NHTM sớm chủ động chuyển đổi số, hiệu quả kinh doanh đều thể hiện rõ những năm gần đây với các chỉ tiêu thay đổi so với mô hình tăng trưởng truyền thống trước đây.

Cụ thể, số hóa giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, giảm thiểu các nguồn lực như nhân sự và chi phí hạ tầng. Điều này góp phần lý giải tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của nhiều thành viên đã được kéo giảm xuống mức thấp. Như tại TPBank, Techcombank, MB, VPBank…, tỷ lệ CIR đến cuối năm 2020 chỉ còn từ 30-35% thay cho các mức 37-40% giai đoạn trước.

Các hệ sinh thái ngân hàng số mở rộng thu hút lượng lớn khách hàng cá nhân và quy mô giao dịch. Tại VPBank hay MB, tỷ lệ giao dịch qua các kênh số hóa hiện đã đạt tới quanh 90%. Sự lan tỏa này góp thêm dịch chuyển nhanh chóng trong cơ cấu nguồn vốn, khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) liên tục tăng nhanh, đạt mức cao như tại Techcombank, MB với khoảng 36 – 46%, những mức chưa từng có trong lịch sử hệ thống các NHTM Việt Nam. Và không phải ngẫu nhiên khi đây là những thành viên có tỷ suất hiệu quả ROA và ROE hàng đầu toàn hệ thống, mà trong đó có sự đóng góp đáng chú ý từ quá trình chuyển đổi số.

Hướng lan tỏa hiệu quả đó còn phía trước. Các NHTM đang tiếp tục thúc đẩy đầu tư và cạnh tranh cho giá trị, trải nghiệm khách hàng hơn nữa. Mà như trên, lợi thế thuộc về những “sư tử” có dư địa lớn về nguồn vốn, cũng như đã và đang có các kế hoạch tiếp tục nâng cao vốn điều lệ.

“Trong 3 năm qua và xác định trong vòng ít nhất 5 năm tới, mỗi năm MB sẽ dành ra khoảng 50 triệu USD để đầu tư riêng cho hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, chúng tôi hiện đang có 10% nhân sự đang công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực số”, một vị lãnh đạo MB chia sẻ. Đây là mức mà không nhiều NHTM thực hiện được, nhất là gắn với giới hạn đầu tư nói trên mà Luật các tổ chức tín dụng quy định.

Cụ thể hóa cho định hướng đó, như trong năm 2020 MB đã liên tục triển khai loạt dự án chuyển đổi số với loạt sản phẩm số nổi bật như: App MBBank, Biz MBBank, mô hình giao dịch tự động SmartBank, Smart RM…

Dịch vụ cung cấp số tài khoản trùng với số điện thoại di động của MB thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng.

Hiệu quả của hướng đẩy mạnh đầu tư trên, hệ sinh thái ngân hàng số MB không ngừng mở rộng, đa dạng mà chưa nhiều NHTM thiết lập được. Bên cạnh cổ đông lớn là Tập đoàn Viettel với hệ sinh thái khách hàng cá nhân “vô địch” trong lĩnh vực viễn thông, hệ sinh thái ngân hàng số của MB còn được đan kết đặc biệt từ những vệ tinh trực thuộc ở các lĩnh vực chứng khoán, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, bất động sản…, theo mô hình một tập đoàn tài chính đã thiết lập những năm qua.

Hệ sinh thái đó đa dạng hơn, mở rộng hơn qua các chiến dịch phí cạnh tranh, tiện ích liên tục mở rộng qua loạt dự án nói trên và đặc biệt trải nghiệm khách hàng được chú trọng để trở thành ngân hàng thuận tiện nhất. Ví dụ thực tế gần đây là việc MB cung cấp số tài khoản đẹp cho khách hàng cá nhân triển khai mạnh mẽ từ trong năm 2020 hay mới đây là số tài khoản trùng với số điện thoại di động đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng và khách hàng. Hiệu quả của sự phát triển hệ sinh thái này lan tỏa nhanh chóng và phản ánh rõ ở những kết quả MB đạt được.

Năm 2020, MB tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng, đạt tổng cộng 260 triệu giao dịch điện tử, với tổng giá trị giao dịch trên 2 triệu tỷ đồng và gần 85% giao dịch trên kênh số. Doanh thu kênh số đạt tăng trưởng gấp 1,7 lần trong năm 2020. Các hoạt động ngân hàng số tại MB tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. Chỉ tính đến hết tháng 3/2021, số lượng giao dịch qua kênh số đã đạt gần 92 triệu với tổng giá trị đạt trên 800.000 tỷ và gần 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Như vậy, kết quả này còn phản ánh năng lực đáp ứng của MB trước nhu cầu và số lượng giao dịch cũng gia tăng với “tốc độ sư tử”.

Một kết quả và hiệu quả khác cũng được thấy rõ ở MB từ động lực phát triển các hệ sinh thái ngân hàng số, khi năm 2020 tăng trưởng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của khách hàng cá nhân đã gấp đôi năm 2019, góp phần nâng tỷ lệ CASA của MB lên tới 36%, đứng thứ 2 toàn hệ thống và vượt trội so với “Big 4” vốn có thế mạnh của những chú voi. Tính đến hết quý I.2021, CASA mảng bán lẻ của MB vẫn tiếp tục tăng gấp rưỡi so với 2020, chứng tỏ đà tăng này là bền vững.

Hướng hiệu quả trên tiếp tục lan tỏa nhanh khi bước sang năm 2021. Có tháng, MB đã thu hút thêm khoảng hơn 300 ngàn lượt users mới mỗi tháng; tổng khách hàng lũy kế đạt hơn 7 triệu khách hàng. Bên cạnh hiệu quả doanh số và giá trị CASA như thế hiện ở trên, chuyển đổi số tiếp tục là một động lực mạnh mẽ góp phần để “sư tử” MB đạt lợi nhuận ấn tượng ngay trong quý 1, với lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt gần 4.600 tỷ, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

PV
.
.
.