Trò chuyện Chủ nhật

Phải cải cách toàn diện, triệt để mới kiến tạo được!

Chủ Nhật, 27/08/2017, 08:47
“Sự cải cách không thể nửa vời, loại bỏ điều kiện này, sửa văn bản kia, vì như thế chỉ tháo bỏ rào cản cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp, không giải phóng được sức sáng tạo của nền kinh tế. Phải cải cách toàn diện, triệt để, dứt khoát để bừng nở tinh thần sáng tạo mới kiến tạo được...”, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật của Báo CAND.


PV: Thưa ông, nếu nhìn lại chặng đường đã qua về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gỡ bỏ rào cản với doanh nghiệp (DN), ông thấy Chính phủ đã làm được những gì?

TS Nguyễn Đình Cung: Nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã nhìn trúng vấn đề, nhìn DN như nền tảng, động lực của tăng trưởng. Muốn tăng trưởng thì phải chú ý đến tạo điều kiện cho DN mở rộng kinh doanh. Chính vì thế, một trong những hành động đầu tiên của Thủ tướng khi nhậm chức là gặp gỡ DN, tháo bỏ rào cản, tạo niềm tin để DN đầu tư thêm. Đây cũng là tư duy xuyên suốt của lãnh đạo Chính phủ, nên Thủ tướng cũng đã trực tiếp về làm việc, đối thoại với DN và quyết tâm “tháo bỏ vướng mắc cho DN”, “tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN”... được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, mở ra những kênh thu thập thông tin từ DN. Đó là điều đáng ghi nhận.

Từ quyết tâm đó, một số việc cụ thể đã được thực hiện như: Tập hợp tất cả điều kiện kinh doanh (ĐKKD) lại trong 50 Nghị định, để ít nhất, DN cũng biết phải tìm ở đâu khi tìm hiểu về ĐKKD. Qua đối thoại, Thủ tướng cũng biết được những vấn đề của DN và tháo bỏ một số khó khăn như kiểm tra formaldehyt trong dệt may, quy định dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, kiểm dịch thực vật, động vật… Thêm vào đó, với thái độ của Thủ tướng, các bộ cũng bắt đầu dè chừng hơn trong việc gây khó hoặc tạo ra rào cản đối với DN. Phải nói là môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng cải thiện được một số bậc ở một vài chỉ số.

Nhưng đó là tiến bộ so với chính mình của ngày hôm qua. Còn so với mục tiêu đặt ra: Môi trường kinh doanh bằng các nước ASEAN 4, tháo bỏ rào cản, cải cách để mở rộng quy mô kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực... thì khoảng cách còn rất xa.

TS Nguyễn Đình Cung.

Muốn thay đổi để đạt được như thế thì không thể xử lý theo kiểu từng việc một. Sửa văn bản này, tháo gỡ cái kia... cũng tốt, nhưng rất chậm chạp và cơ bản chỉ là vá lại cái “chiếu” cũ. Cần phải thay đổi một cách toàn diện và thực sự đột phá, tức là bỏ đi không phải một mà rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Nếu thay đổi nhỏ giọt, cả hệ thống vẫn phụ thuộc vào cách thức quản lý cũ, thì không bao giờ theo kịp các nước, vì họ có một chuẩn mực, hệ quy chiếu khác hẳn so với chúng ta. Họ đang ở một “chiếu” hoàn toàn khác.

Dù chúng ta có làm đẹp “chiếu” của mình hơn lên, thì vẫn là chiếu khác, mà chiếu này là chiếu trì trệ. Muốn bằng họ, phải xây chiếu của mình như chiếu của họ thì nền tảng mới thay đổi. Vì vậy, Nghị quyết 19 nói rõ 2 nhóm thay đổi rất nền tảng: Cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu và cải cách toàn diện các quy định về ĐKKD. Đây là 2 mảng quy định pháp lý chi phối hoạt động của DN.

PV: Ông có nói: Qua 4 năm theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 19, các chỉ tiêu cụ thể, như đặt giảm kiểm tra chuyên ngành từ 30%-35% tổng số lô hàng nhập khẩu xuống còn 15-20% vẫn chưa thực hiện được, chưa nói đến thay đổi về chất, tức là thay đổi cách thức quản lý. Sự thay đổi này có chậm hơn kỳ vọng và vì sao lại chậm như vậy?

TS Nguyễn Đình Cung: Thay đổi vụ việc chỉ tháo bỏ khó khăn với một vài DN, nhóm DN, chứ không phải tất cả DN. Cải cách toàn diện không chỉ là cải cách quy định, mà cần thay đổi phương thức, công cụ, năng lực quản lý. Từ chăm chắm vào tiền kiểm - kiểm tra, kiểm soát giấy này giấy kia; sang hậu kiểm dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ của DN để quản lý. Những thứ cần an toàn thì quản từ gốc. Ví dụ sản xuất nông sản, thực phẩm thì hướng dẫn người dân, DN phải sản xuất theo quy trình nào, với tiêu chuẩn nào, khi ra sản phẩm thì yên tâm về chất lượng và chỉ kiểm tra xác suất. Khi nào có phát sinh đột biến như dịch bệnh thì mới kiểm tra toàn bộ, hết dịch bệnh lại quay trở về cách bình thường.

Nhưng ta thì làm kiểu chặt khúc, ngồi chăm chăm để cấp phép, và cấp phép xong lại bỏ bẵng, không kiểm tra gì nữa. Cách thức quản lý này rất tốn kém, rất hành chính, rất hình thức mà rất không có hiệu lực. Như thế chẳng giúp gì cho DN, mà chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích của người cấp phép, nên cần sự thay đổi.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã kiến nghị rà soát, loại bỏ khoảng 1/2 danh mục hàng hoá đang bị kiểm tra chuyên ngành; loại bỏ hàng nghìn ĐKKD để bỏ rào cản DN gia nhập thị trường, loại bỏ những thứ hạn chế năng động, sáng tạo, hạn chế xuất hiện sản phẩm mới, quy trình mới, cách làm mới. Như thế mới có nền kinh tế năng động, DN mới yên tâm mở rộng đầu tư kinh doanh, yên tâm sáng tạo, yên tâm đổi mới. Như hiện nay, đổi mới, sáng tạo mong manh giữa hợp pháp và phi pháp. Thay đổi đừng làm quá chậm, sẽ mất đi tác dụng. Mà bây giờ thay đổi đã không phải là sớm.

PV: Như ông đã đề cập, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã kiến nghị loại bỏ đến hơn 2.000 trong số hơn 4.000 ĐKKD đang tồn tại. Theo ông, bỏ hàng loạt như vậy có tác động tiêu cực nào không, có rủi ro nào về quản lý không?

TS Nguyễn Đình Cung: Thực ra chúng tôi kiến nghị loại bỏ hơn 3.000 ĐKKD chứ không phải hơn 2.000. Tôi cho rằng chỉ có được. Có mất chỉ là mất quyền, mất lợi của mấy ông cấp phép. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo tái khởi động tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cũng như giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo Nghị định về kiểm soát và cắt giảm ĐKKD.

Trên nền quy định của Luật - đã là ĐKKD thì chỉ đặt ra với những ngành nghề có liên quan đến an toàn tính mạng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; Nghị định đó sẽ cụ thể hoá thêm. Những quy định mang tính chất kinh tế như yêu cầu về thiết bị, địa điểm, nhân lực, năng lực sản xuất, năng lực nhân sự… về cơ bản không liên quan đến 3 yêu cầu trên thì bãi bỏ. Sau đó, cần có cơ chế giám sát những quy định mới ban hành xem có tạo ra ĐKKD mới không.

Cũng cần lưu ý, các quy định về ĐKKD tồn tại bảo hộ lợi ích không chỉ cho cán bộ quản lý mà còn bảo vệ các DN đang tồn tại, nên nếu làm một cách truyền thống như lấy ý kiến DN, thì đa số sẽ đồng ý giữ ĐKKD. Lực lượng mất quyền lợi thì nhìn thấy rõ, lực lượng được hưởng lợi thì phân tán, mơ hồ (do họ còn chưa xuất hiện, chưa gia nhập thị trường). Do đó, cần căn cứ theo thông lệ quốc tế, hỏi ý kiến chuyên gia và dựa trên các nguyên tắc để cắt bỏ. Điều này dễ, nhưng cũng rất khó. Nếu các Bộ trưởng đồng lòng chỉ đạo thì rất dễ. Các Bộ trưởng không quan tâm đủ mức, chứ đừng nói là bảo vệ, thì rất khó.

PV: Vậy làm cách nào để các Bộ trưởng đồng lòng? Xưa nay chúng ta vẫn nói đến việc “trên nóng, dưới lạnh” – Thủ tướng thì nhắc rất nhiều, nhưng sự chuyển động lại ít. Theo ông, vì sao có điều này?

TS Nguyễn Đình Cung: Họ phải vì sự phát triển của quốc gia, không thể để nền kinh tế cứ trì trệ mãi được. Đó là động lực bên trong. Còn sức ép bên ngoài thì có sức ép hành chính từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; sức ép từ báo chí. Nếu cứ giữ thế này, nền kinh tế sẽ đi xuống, mỗi người đều nhận thấy điều đó. Đặc biệt, lãnh đạo càng cao thì càng phải thấy rõ hơn và càng có trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy phát triển đất nước. Từ trách nhiệm lớn thì họ có áp lực và động lực.

Việc “trên nóng, dưới lạnh” thì tôi cho rằng áp lực hành chính chưa đủ lớn. Phải theo đến cùng vấn đề, quy đến cùng trách nhiệm. Tôi giao cho anh sửa mà anh không sửa thì không kiểm điểm nữa mà anh nghỉ luôn để người khác làm. Báo chí có lẽ cũng phải như thế, theo một vấn đề cho đến khi kết thúc thì thôi, chứ không hôm nay một bài, mai một bài.

PV: Một số quy định về ĐKKD bị ca thán lâu nay như Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo hay Nghị định về kinh doanh khí đang được Bộ Công Thương sửa đổi đều chưa đi đến hồi kết vì tranh cãi quyết liệt và các ĐKKD cắt giảm được cho là vẫn rụt rè. Theo ông, những động thái đó có đủ để thay đổi?

TS Nguyễn Đình Cung: Chừng nào còn những điều kiện như quy mô kho bãi... thì Việt Nam chỉ xuất khẩu gạo kém chất lượng. Thương hiệu gạo Việt Nam sẽ là kém chất lượng. DN xây dựng thương hiệu gạo phải đi từ sản xuất nhỏ, phải xây dựng quy trình sản xuất với quy mô kiểm soát được. Lúc đầu, chỉ xuất khẩu 1-2 container vào những thị trường nho nhỏ, ví dụ như Singapore, thậm chí còn phải tặng không cho người ta để nuôi dưỡng lòng tin và thói quen người tiêu dùng, rồi sau đó mới nhân rộng ra được. Vậy ai đầu tư vào kho, bãi làm gì? Tư duy quản lý như thế không chỉ dựng thêm rào cản mà còn loại bỏ nhiều ngành nghề.

Đáng ra, có thể có ngành nghề chuyên cho thuê kho bãi, để phân tán rủi ro. Nếu thất bại, mỗi anh mất một ít, vực lại rất dễ dàng.

Đây bắt một DN làm cả, vừa tăng chi phí, vừa rủi ro - thất bại là mất sạch sành sanh. Tư duy này làm cho nền kinh tế trì trệ, cách làm mới, làm khác tốt hơn không thể xuất hiện được. Mỗi người kinh doanh có một loại sáng kiến, không thể làm theo một cách. Quy định quá chi tiết là triệt tiêu tính sáng tạo, làm xã hội trì trệ theo cơ quan quản lý.

Bộ Công Thương đã xử lý dứt khoát được một vài vấn đề như formaldehyt, dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất... nên về gỡ bỏ hàng loạt ĐKKD, có thể Bộ chưa ủng hộ hoàn toàn, nhưng hi vọng ủng hộ một cách cơ bản. Phải cải cách toàn diện, triệt để, dứt khoát, phá những cái trì trệ để bừng nở tinh thần sáng tạo mới kiến tạo được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.