Những điểm sáng trong công tác giảm tổn thất điện năng tại EVNNPC

Thứ Ba, 10/11/2020, 09:27
Giảm tổn thất điện năng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được các đơn vị trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp như: Đầu tư nâng cấp và cải tạo sữa chữa lưới điện, tính toán các chế độ vận hành lưới điện tối ưu, ứng dụng công nghệ thông tin đo đếm điện năng...


Giảm tổn thất điện năng là thương hiệu của doanh nghiệp

Lào Cai là một trong những đơn vị hàng đầu của EVNNPC và EVN về công tác giảm tổn thất điện năng. Trong giai đoạn 2016-2019, Công ty Điện lực Lào Cai đã tập trung nỗ lực giảm tổn thất điện năng từ 2,9% về 2,22% (năm 2016: 2,9%; năm 2017: 3,02%; năm 2018: 2,97%; năm 2019: 2,22%). Năm 2020, Công ty được giao chỉ tiêu 2,3%. Thực hiện lũy kế 10 tháng đạt 2,62% - đang cao hơn kế hoạch giao 0,32%. Trong 3 tháng cuối năm, Công ty thực hiện các giải pháp nước rút để đạt kế hoạch được giao.

Để làm tốt hơn công tác giảm tổn thất điện năng, Công ty đã đưa ra những định hướng cụ thể như tổ chức quản lý, kinh doanh, gọn hóa lưới điện. Đặc biệt quan tâm đến các trạm biến áp có sản lượng điện năng lớn, tỷ lệ tổn thất >5%. 

Công nhân Điện lực Thành phố Hưng Yên cải tạo, sữa chữa lưới điện.

Đối với lưới cao, trung áp: Tính toán phương thức vận hành tối ưu giảm tổn thất điện năng. Vận hành linh hoạt tụ bù trung hạ áp. Theo dõi chặt chẽ mang tải đường dây và máy biến áp.

Đối với lưới điện hạ áp, thực hiện phân nhóm các trạm biến áp công cộng theo từng khu vực: Trung tâm, cận trung tâm và nông thôn; tính toán tỷ lệ tổn thất điện năng đối với từng khu vực. Hàng tháng so sánh tỷ lệ tổn thất điện năng giữa các trạm biến áp công cộng có cấu trúc tương tự nhau để nhận diện những trạm còn có tỷ lệ tổn thất điện năng cao. Cập nhật số liệu theo dõi tỷ lệ tổn thất điện năng theo từng tháng để nhận diện chính xác những trạm có tổn thất kỹ thuật và những trạm còn có tỷ lệ tổn thất điện năng bất thường; phần lớn các trạm có tỷ lệ tổn thất điện năng cao thuộc khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai chia sẻ: Đạt được kết quả như trên là sự đóng góp vô cùng to lớn của rất nhiều thế hệ lãnh đạo và CBNV Công ty. Công ty đã thực hiện 3 giải pháp: Về công tác quản lý, vận hành và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sửa chữa lớn cũng như đầu tư xây dựng của Tổng công ty.

 “Tổn thất điện năng của chúng tôi đang ở mức độ tiệm cận, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quản lý để duy trì ổn định mức độ tiệm cận và coi đây là một bản sắc riêng của Công ty” - ông Tuấn khẳng định.

Giảm tổn thất điện năng là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng hàng đầu

Cùng với Lào Cai, Hưng Yên là một trong những điểm sáng trong công tác giảm tổn thất điện năng. Công ty Điện lực Hưng Yên đã xác định giảm tổn thất điện năng là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Công ty.

Công nhân Điện lực Thành phố Lào Cai triển khai lắp đặt công tơ điện tử nhằm công khai, minh bạch và ghi chỉ số công tơ một cách chuẩn xác.

Trong giai đoạn 2016-2019, Công ty luôn hoàn thành, vượt chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu phấn đấu hàng năm được EVNNPC giao. Công ty đã về đích trước 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đưa tổn thất của toàn Công ty từ 6,58% (năm 2015) xuống còn 3,95% (năm 2019), giảm 2,63% (nếu tính riêng cho năm 2019 thì giảm 108,56 triệu kWh tương đương 190,55 tỷ đồng). Dự kiến tổn thất điện năng năm 2020 của Công ty là 3,85%.

Đối với khu vực lưới điện hạ áp nông thôn, công ty đã tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp đến từng hộ dân (đến nay đã tiếp nhận được 157/161 xã, phường, thị trấn). Công ty đã đầu tư xây dựng 926 trạm biến áp chống quá tải, thay dây dẫn trần cũ nát bằng cáp bọc, thay hòm hộp công tơ, phối hợp công đoàn ban hành chỉ thị phát động phong trào thi đua giảm tổn thất khu vực hạ áp,… Từ đó nâng cao chất lượng điện cho khu vực hạ thế, giảm tổn thất điện năng từ 8,89% năm 2015 xuống còn 5,24% năm 2019 (giảm 3,65%).

Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp giảm tổn thất điện năng mang lại hiệu quả cao mà Công ty đang áp dụng. Đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến có độ chính xác cao để đánh giá, phân tích tình trạng vận hành của thiết bị, lường trước các nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố, hư hỏng lưới điện. Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, xây dựng bản đồ điện áp theo dõi, giám sát chất lượng điện áp toàn tỉnh.

Trung tâm Điều khiển xa Hưng Yên.

Ông Lương Minh Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: Công tác giảm tổn thất điện năng là một chỉ tiêu rất quan trọng, then chốt trong điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty. Căn cứ vào kế hoạch chi phí đầu tư sửa chữa lớn cũng như chi phí biến động hàng năm, Công ty đều sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thực hiện sửa chữa lưới điện làm sao vừa đạt hai mục tiêu: Giảm sự cố và giảm tổn thất điện năng.

Trong công tác quản trị chỉ tiêu tổn thất điện năng, Công ty giao phòng kinh doanh chủ trì cùng với phòng kỹ thuật thường xuyên theo dõi để xác định phân vùng tổn thất từng cấp điện áp 110, 35, 22 và tới điện lực thì phân vùng theo từng trạm biến áp xem tổn thất các khu vực này như nào, tổn thất có bất thường không để Công ty có những giải pháp trọng tâm phù hợp với những khu vực có tổn thất bất thường hoặc tổn thất cao hơn tổn thất kỹ thuật tính toán.

Đặc biệt, Công ty đã đẩy mạnh thay thế các công tơ điện tử và các trạm biến áp phân phối, các đường dây để kiểm soát các tổn thất chính xác nhất. Công ty cũng xây dựng một phần mềm quản lý máy biến áp cứ 30 phút là chốt thông số kỹ thuật một lần và định kỳ hàng tháng phân tích tổn thất của từng trạm biến áp và cũng phân ra những trạm biến áp trên 7%, trên 8%, trên 9% để có những giải pháp tăng cường kiểm tra, phúc tra những trạm có tổn thất cao. 

Đến tháng 10/2020, Công ty chỉ còn 4 trạm biến áp phân phối có tổn thất điện năng trên 7% trên tổng số 2.400 trạm biến áp phân phối. Công ty đề ra kế hoạch đến 31/12/2020 sẽ thực hiện nhiều giải pháp về sửa chữa thường xuyên lưới điện cũng như quản trị tổn thất điện năng, phấn đấu không còn trạm biến áp tổn thất điện năng trên 7%.

Minh Anh
.
.
.