Doanh nghiệp Việt lãnh đủ đòn vì thủ tục "hành là chính"

Thứ Ba, 23/02/2016, 09:22
Ngoài những bức xúc của các doanh nghiệp về những quy định về chất lượng sản phẩm, chất cấm, an toàn VSTP tại thị trường nước ngoài chưa cụ thể; quy định về các thủ tục trong hồ sơ xuất khẩu không thống nhất gây phiền hà, thiệt hại cho doanh nghiệp thì tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa cũng xảy ra trong thời gian gần đây. 


Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, ngày 22-2, tại hội nghị “Tham tán thương mại năm 2016” diễn ra ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã nêu những bức xúc, khó khăn với các tham tán, tùy viên thương mại Việt Nam tại nước ngoài để được tháo gỡ. Đây cũng là diễn đàn nhằm trao đổi các biện pháp, tăng cường hợp tác giữa các thương vụ với địa phương, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Giám đốc Công ty TNHH SX TM Phước Thành Bảy Mập cho biết: Công ty xuất khẩu mặt hàng gạo chủ yếu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường này vì thị trường này không quy định rõ là chất chất cấm nào bị hạn chế nên doanh nghiệp rất mù mờ. Khi doanh nghiệp xuất gạo sang thị trường này thì bị phía đối tác ách lại kho, niêm phong, chờ Hải quan Mỹ kiểm định nếu đạt yêu cầu thì mới được giao cho khách hàng. Nếu không đạt phải trả về nơi xuất xứ. Trong khi đó, trước khi doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng đều đã phải trải qua kiểm dịch, kiểm định tại Việt Nam. Đạt yêu cầu thì doanh nghiệp mới được xuất đi.

Bà Tô Tuệ Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản của Bình Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản Bình Thuận cũng bức xúc: Với mặt hàng còi điệp, trước đây khi doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu thì yêu cầu trụng hoặc luộc qua thời gian là 5 giây để còi điệp giữ được nước ngọt trong thịt. Tuy nhiên, khoảng 1 năm nay, châu Âu yêu cầu doanh nghiệp khi xuất khẩu còi điệp sang thị trường này thì buộc phải luộc sản phẩm trong thời gian 120 giây. 

DN thủy sản gặp không ít khó khăn tại thị trường xuất khẩu.

Quy định này khiến doanh nghiệp điêu đứng vì khi luộc qua 120 giây, còi điệp không còn giữ được vị ngọt, rất khó khăn trong việc cạnh tranh với đối thủ các nước khác. Ngoài khó khăn trên, tại thị trường châu Á, trong hồ sơ của các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường đều yêu cầu phải có C/O (chứng nhận xuất xứ). Thời gian để được cấp C/O là 3 ngày. Với thời gian này thì các thị trường xuất khẩu xa, dài ngày thì chấp nhận được.

Ví dụ như Mỹ, châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam xuất sang các thị trường này mất 30 ngày. Thời gian xin C/O là 3 ngày cộng với thời gian doanh nghiệp chuyển phát nhanh khoảng 5 ngày nữa thì mất khoảng 8 ngày đến được nước xuất khẩu. Nhưng còn các nước xuất khẩu gần như Nhật, Hàn Quốc..., thời gian tàu chạy chỉ từ 5-7 ngày. 

Như vậy chứng từ không thể đến tay đối tác đúng thời hạn được. Còn tại thị trường châu Âu thì doanh nghiệp gặp rủi ro về phương thức thanh toán vì khách hàng tại thị trường này sau 15-30 ngày nhận hàng mới thanh toán tiền, trong khi đó, cứ một container hàng trị giá cả ngàn USD. Doanh nghiệp cần các tham tán thương mại ở nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp việc tra cứu tín dụng tại các nước ở thị trường châu Âu để tránh rủi ro.

Ngoài những bức xúc của các doanh nghiệp về những quy định về chất lượng sản phẩm, chất cấm, an toàn VSTP tại thị trường nước ngoài chưa cụ thể; quy định về các thủ tục trong hồ sơ xuất khẩu không thống nhất gây phiền hà, thiệt hại cho doanh nghiệp thì tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa cũng xảy ra trong thời gian gần đây. 

Ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hương Lâm cho biết, doanh nghiệp Hương Lâm xuất khẩu gạo chính vào thị trường châu Phi. Đây là thị trường tiêu thụ gạo lớn, không đòi hỏi cao về chất lượng nên là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý vì có đối tượng giả danh doanh nghiệp của nước nhập khẩu lừa đảo qua email yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trả tiền trước, chiếm dụng tiền của doanh nghiệp. 

Ông Phạm Thế Cường, tham tán thương mại Việt Nam tại Ai Cập cho biết: Xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập không gặp rủi ro lớn và việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng không bị lừa đảo như ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên cũng có trường hợp doanh nghiệp sở tại thông đồng hãng tàu nhận hàng. Nhưng sau đó doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động liên hệ thương vụ can thiệp nên doanh nghiệp đã được hỗ trợ kịp thời. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, các doanh nghiệp mong rằng các tham tán, tùy viên thương mại Việt Nam tại nước ngoài cần cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin về thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, những lô hàng bị trả về lý do tại sao để doanh nghiệp trong nước rút kinh nghiệm.

Thúy Hà
.
.
.