Người gửi tiền ở ngân hàng Đông Á được đảm bảo quyền lợi

Chủ Nhật, 11/12/2016, 18:36
Đây là thông điệp chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi sau khi thông tin về ông Trần Phương Bình- cựu Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – cựu Phó Tổng Giám đốc cùng với 3 cán bộ khác của Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) bị bắt, khiến nhiều khách hàng lo lắng


Cụ thể, trong thông báo của mình, NHNN cho biết ngày 9-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công An (C46) đã tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam một số cán bộ nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). 

Trước đó, vào tháng 8-2015, NHNN đã công bố kết luận thanh tra DAB theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do DAB đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DAB.

NHNN cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên HĐQT và chức danh Tổng Giám đốc DAB; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc DAB. 

Ông Trần Phương Bình- cựu Tổng Giám đốc DAB

Đồng thời, NHNN đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt vào quản trị, điều hành DAB để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DAB.

Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của DAB đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan, khách hàng tiếp tục tín nhiệm trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của DAB.

Còn từ phía DAB, ngay trong tối 10-12, ngân hàng này đã xác nhận về thông tin cựu lãnh đạo cao cấp của DAB bị bắt giữ. 

Cũng cho biết về thực tế bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biết từ 13-8-2015, đại diện DAB đã khẳng định đến nay, sau hơn 1 năm kiểm soát đặt biệt, hoạt động của DAB đã đi vào ổn định và có những tiến triển đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu DAB ngày càng được củng cố.

Đặc biệt, DAB luôn đảm bảo an toàn thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả, tỷ lệ dự trữ thanh khoản luôn cao hơn quy định của NHNN. Cụ thể, thứ nhất là về tỷ lệ dự trữ thanh khoản hiện tại là 20% (so với quy định của NHNN là 10%); tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VND là 82% (so với quy định của NHNN là 50%);  tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với các loại ngoại tệ qui USD là 106% (so với quy định là 10%). 

Thứ 2, 11 tháng đầu năm 2016 nguồn vốn huy động của ngân hàng tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015. 

Thứ 3, dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8-2016 đến nay; số lượng khách hàng DAB đang phục vụ là hơn 7 triệu. Riêng về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13-8-2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30-11-2016, DAB đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng.

Khẳng định việc bắt giữ nguyên cựu lãnh đạo của ngân hàng này không ảnh hưởng gì đến hoạt động của mình, DAB cho biết: “Những người bị bắt là những cán bộ đã bị  Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN và Hội đồng xử lý kỷ luật của DAB đình chỉ chức vụ vào tháng 8-2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần 1 năm rưỡi qua. Vì vậy, việc Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của DAB. Mọi hoạt động kinh doanh tại ngân hàng vẫn đang diễn ra bình thường, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo và DAB sẵn sàng đáp ứng khả năng chi trả đầy đủ các nghĩa vụ tài chánh đối với đối tác và khách hàng”.

NHNN trong thông cáo của mình cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ cơ cấu lại toàn diện DAB để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Được biết, theo thông tin ban đầu, ông Bình là lãnh đạo nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình, bỏ qua những quy định của ngân hàng, chỉ đạo cấp dưới giải ngân số tiền lớn ngoài sổ sách, không có chứng từ kế toán, để sử dụng làm ăn cá nhân. Việc thiếu hụt quỹ của ngân hàng này bắt đầu từ năm 2007.

Do sợ bị phát hiện, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ, tự lập và duyệt cáchồ sơ tín dụng khống nhằm lấp đầy các khoản bị thiếu hụt, sau đó, dùng các thủ đoạn để xử lý các khoản vay, không trả lãi. Số tiền ông Bình gây ra thua lỗ cho DAB là hơn 2.000 tỷ đồng.

Lệ Thúy
.
.
.