Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, ngày 10-8, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Tọa đàm giữa Thủ trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 300 doanh nghiệp trong nước.
Nhu cầu của doanh nghiệp nhiều hơn, phức tạp hơn
Phát biểu dẫn đề buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, quá trình hội nhập với những thách thức lớn như chủ nghĩa bảo hộ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; sự phát triển của kinh tế chia sẻ như Grap, Uber, của các sản phẩm thông minh... đang tác động mạnh đến các quốc gia. “Trong đó, doanh nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên phải đương đầu với các thách thức”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Thứ trưởng nhấn mạnh, buổi Tọa đàm nhằm tìm ra công thức tối ưu để Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp vươn ra với thế giới. “Rõ ràng, trong bối cảnh mới, nhu cầu của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn và cũng khó đáp ứng hơn. Mục tiêu của tọa đàm hôm nay, vì vậy, là tìm ra công thức tối ưu để các cơ quan đại diện có thể thật sự kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. |
Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan đại diện và doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, mô hình phối hợp như thế nào để mạng lưới cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy, đồng hành trên con đường phát triển bền vững của đất nước.
Những trăn trở đa chiều từ doanh nghiệp
Trao đổi bên lề buổi tọa đàm, đại diện công ty Chè Cozy cho biết, một khó khăn mà công ty Cozy và nhiều công ty khác về kinh doanh thực phẩm gặp phải, đó là khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa song song cùng khó khăn về mặt kỹ thuật. Trong bối cảnh các nước thường xuyên thay đổi quy đinh về xuất nhập khẩu, các nhà kinh doanh dễ rơi vào trạng thái bị động, thiếu hụt thông tin, và tha thiết mong muốn hỗ trợ về mặt cập nhật thông tin về những quy định này.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự tọa đàm. |
Còn với ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc công ty Vĩnh Hà, vấn đề thiếu hiểu biết về văn hóa nước sở tại đã khiến các chiến dịch marketing trở nên không hiệu quả do ta không "đánh" đúng vào tâm lý của người dùng tại thị trường mục tiêu. Vì vậy, ông mong muốn các cơ quan đại diện có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động tại các thị trường trọng điểm, từ đó thâm nhập và hiểu sâu văn hóa tiêu dùng của người dân. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Triển, Giám đốc công ty Tấn Phát đề xuất các cơ quan đại diện hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, khách hàng, và khảo sát các doanh nghiệp sở tại.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đề xuất việc tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, trong đó bao gồm phản hồi từ nước sở tại và cả hỗ trợ từ phía cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. "Chúng tôi cần sự kịp thời trong xử lý vấn đề, hỗ trợ bất trắc phát sinh", ông nhấn mạnh.
Các nhà Ngoại giao mách nước cho doanh nghiệp Việt
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ với các đại biểu tham dự nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế thế giới và xu hướng phát triển kinh tế trong nước, những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường không phủ nhận Nhật Bản là một thị trường khắt khe, nhất là thị trường nông sản. "Nhưng thị trường khó tính không phải là không vào được", ông bày tỏ tin tưởng.
Các diễn giả thảo luận trực tiếp trên sân khấu. |
"Để đưa nông sản Việt vào thị trường Nhật thì ít nhất quá trình đàm phán phải mất tới 3 đến 5 năm. Nhưng kể cả khi đối tác chấp nhận rồi, mình có làm được không cũng là vấn đề", Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, đồng thời nêu ra ví dụ về việc Nhật Bản đồng ý nhập khẩu xoài Việt Nam, nhưng đúng thời điểm đó xoài nước ta lại mất mùa, không có đủ đầu vào.
Tuy nhiên, hiện nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, điều đó giúp cho cơ hội của doanh nghiệp lại càng lớn. "Tới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội rất lớn cho chúng ta khi đa phần các mặt hàng nông sản vào Nhật Bản chỉ bị áp thuế 0%", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định tích cực.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cũng cho biết, rất nhiều người Đức yêu quý Việt Nam, họ hiểu Việt Nam như điểm sáng của châu Á và được quan tâm. "Dù quan hệ hai nước cũng còn những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi nhận thấy phía bạn vẫn rất háo hức với thị trường của ta và tiềm năng hợp tác còn rất lớn", ông nói. Do đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đề xuất các doanh nghiệp cần kết hợp với cơ quan đại diện đẩy mạnh quá trình vận động, quảng bá, hợp tác cùng có lợi cần được chú trọng.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng chia sẻ một số biện pháp mà Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đang giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam, như tổ chức buổi briefing cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về địa bàn cũng như những rủi ro chính trị; tư vấn, hỗ trợ trong trường hợp doanh nghiệp bị xử ép; giúp giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp luật khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến doanh nghiệp...
Kết luận buổi Tọa đàm. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định, tổ chức Tọa đàm này là sáng kiến hết sức có ý nghĩa trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao. Thành công của sự kiện một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của “Ngoại giao kiến tạo” trong đó là lấy doanh nghiệp làm trung tâm.