Nghị quyết về xử lý nợ xấu là một giải pháp tình thế cần thiết
- Khơi thông nợ xấu bất động sản từ hoạt động chuyển nhượng dự án
- Đừng tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giải cứu nợ xấu
- Thống đốc NHNN phân tích về nguyên nhân của nợ xấu
- Hai cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về xử lý nợ xấu?
Trước những quan điểm trái chiều về các nút thắt trong việc xử lý nợ xấu – mà theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, có thể lên tới 10,08% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản có nguy cơ cao trở thành nợ xấu hiện nay, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách xung quanh chủ đề này.
PV: Thưa ông, qua đến 3 phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu (2 phiên thảo luận hội trường và 1 phiên thảo luận tổ - PV), các đại biểu Quốc hội vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Nghị quyết này. Theo ông, với những nội dung trong dự thảo, Nghị quyết này có giải quyết được những điểm tắc nghẽn trong xử lý nợ xấu hiện nay không?
ĐB Trần Quang Chiểu: Tất nhiên, Nghị quyết nếu được thông qua sẽ giải quyết được một phần những vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay, những vướng mắc trong Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai... thì cơ quan soạn thảo mới trình. Chắc chắn nó sẽ giải quyết được một phần nợ xấu chưa giải phóng được, như một giải pháp tình thế trong thời điểm hiện nay, trong khi sửa luật khác thì không kịp.
Cá nhân tôi ủng hộ việc ban hành Nghị quyết này, và chiểu theo Nghị quyết, có thể cũng giải quyết được một phần vướng mắc. Còn giải quyết được hết nợ xấu hay không? Tôi nghĩ là khó, bởi một Nghị quyết không phải chìa khóa vạn năng. Nợ xấu là một quy luật khách quan của kinh tế, nên quốc tế người ta có một tỷ lệ nợ xấu tham khảo gọi là tỷ lệ an toàn. Nợ xấu như thế nào lại là vấn đề khác.
PV: Theo như quan sát, trao thẩm quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng dường như là nội dung cốt lõi của dự thảo Nghị quyết, và đó dường như cũng là vướng mắc chính hiện nay, khiến các khoản nợ xấu chậm được giải quyết. Nhưng đó cũng là điểm các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau nhất, vì lo ngại xâm phạm đến quyền tài sản đã được Hiến định của công dân, trong khi tổ chức tín dụng không phải cơ quan nhà nước, mà là doanh nghiệp.
ĐB Trần Quang Chiểu: Nhìn vào cơ cấu dự thảo, cũng thấy Điều 7 về thẩm quyền thu giữ tài sản bảo đảm là điều dài nhất trong Nghị quyết. Theo tôi, việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách không quan trọng, vì nguyên tắc là theo thị trường, cơ quan soạn thảo chỉ thận trọng đưa vào Nghị quyết để thống nhất về cách hiểu và thuận lợi hơn cho việc thực hiện thôi.
Chính vì việc đó vướng Bộ luật Dân sự - ngân hàng không giải quyết được nên mới xin nghị quyết này, coi như 1 đạo luật để giải quyết tình thế trước mắt, cho đến khi sửa Luật tiếp theo. Nếu không vướng điều đó có lẽ không cần phải có nghị quyết này.
Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia phân tích về luật pháp hiện hành có lý của họ. Tuy nhiên, cũng phải trở lại vấn đề chính, vì mâu thuẫn, vướng mắc đó mà nợ xấu không thể giải quyết được.
Nợ đưa về Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã giải quyết được đâu, có bán được đâu. Nó chỉ giúp cân bằng về sổ sách thôi, còn “hàng hóa” là khoản nợ xấu đó không lưu thông được. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo mới trình bán dưới giá trị sổ sách và cơ chế giải quyết tài sản bảo đảm là như vậy.
Đại biểu Trần Quang Chiểu. |
PV: Khi phát biểu tại tổ về nghị quyết này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nói, nợ xấu như cục máu đông, làm lãi suất ngân hàng không thể giảm được. Theo ông, hệ lụy của nợ xấu là gì và đến nay chúng ta đã nói sòng phẳng về hệ lụy đó chưa?
ĐB Trần Quang Chiểu: Nợ xấu làm chi phí xã hội cao lên. Hiện tại, nợ xấu đang được các tổ chức tín dụng tự giải quyết bằng cách trích lập dự phòng rủi ro, bán tài sản bảo đảm hoặc bán cho VAMC.
Nợ xấu đã đưa vào dự phòng rủi ro thì đã giải quyết được rồi, nhưng về bản chất là tính vào cơ cấu lãi vay, tức là chi phí người vay phải chịu. Người vay hiện giờ phải gánh trách nhiệm cho những khoản sai lầm xưa cũ.
Nếu không phải dự phòng rủi ro cho những khoản vay đó thì đã có điều kiện giảm lãi suất. Lãi suất ngân hàng cao làm chi phí đầu vào cao, giá thành cao lên, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh nói chung của nền kinh tế.
PV: Việc phát sinh nợ xấu có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với những gì Quốc hội được báo cáo hiện nay, ông thấy phần chủ quan gây ra nợ xấu đã được đánh giá đúng mức chưa, để làm cơ sở cho việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức đã gây ra tình trạng này?
ĐB Trần Quang Chiểu: Như tôi đã nói, nợ xấu là hệ quả khách quan của nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ xấu của Việt Nam nó khác thế giới, nên chúng ta phải bàn.
Nó khác ở 2 ý lớn: Tập trung phát sinh trong thời gian rất ngắn, khoảng 3 năm, khi ta đặt ra quan điểm phát triển bằng mọi giá, tổ chức tín dụng mọc như nấm sau mưa, có năm tăng trưởng tín dụng 32% – 37%; tổng phương tiện thanh toán tăng 45% – 47%. Chúng ta tăng trưởng chủ yếu từ vốn, vốn tín dụng và ngân sách. Ngành ngân hàng có thời điểm chỉ tiêu thi đua là tăng trưởng tín dụng, chứ không phải chất lượng tín dụng.
Ông tăng trưởng thấp đến học tập ông tăng trưởng cao. Sau 3, 4 năm, những ông từng được “học tập” giờ phải thành lập những ban thu hồi nợ, và những ông thủ trưởng những đơn vị đó thành thủ trưởng tổ thu hồi nợ.
Trong báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Lãi suất năm 2016 giảm 40% so với 2011, nghe qua thấy là một tín hiệu rất tích cực, nhưng nếu so với lạm phát (2011 là 18%, năm 2016 là dưới 3%) đã giảm hơn 500% thì thấy lãi suất giảm vẫn thấp, và chi phí đầu vào vẫn là gánh nặng.
Nền kinh tế Việt Nam sức cạnh tranh yếu có nhiều vấn đề, nhưng trong đó có vấn đề của lãi suất tín dụng cao, trong đó có một phần do hoạt động tín dụng kém hiệu quả, nợ xấu cao, rủi ro nhiều, điều hành chính sách tiền tệ chưa hợp lý lắm làm lạm phát cao, huy động tiền gửi cao, cộng rủi ro cao làm lãi suất cho vay càng phải cao hơn.
Ý tôi muốn nói là ngoài việc DN tiếp cận vốn chậm, chi phí không chính thức nhiều, thì chi phí chính thức – như lãi vay, cũng rất cao.
PV: Đó là chưa kể đến tác động tâm lý của nợ xấu?
ĐB Trần Quang Chiểu: Tác động tâm lý chắc chắn phải có. Các cụ nói “chim ngã sợ cành cong”, ngoài quan điểm siết chặt tín dụng thì cũng có hiệu ứng tâm lý khiến người cho vay phải thận trọng, nếu không nó sẽ trở thành một khoản nợ xấu, họ phải chịu trách nhiệm.
PV: Như ông đã trao đổi, hồn cốt của Nghị quyết lần này là giải phóng tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản. Nhưng một số chuyên gia cho rằng đó không phải là chìa khóa, mà phải là tăng vốn, nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng?
ĐB Trần Quang Chiểu: Nếu chỉ giải quyết nợ xấu không, thì giải phóng tài sản bảo đảm là một nội dung rất quan trọng. Còn để hệ thống tín dụng của chúng ta hoạt động tốt, thì quan điểm là phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, và dùng các biện pháp như bạn đã nói: tăng vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu...
PV: Nghị quyết có nêu một nguyên tắc rất quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc.
Ví dụ trường hợp Sacombank mới đây công bố đã bán cho VAMC 37.300 tỷ đồng nợ xấu, nghĩa là Ngân hàng Nhà nước phát hành cho Sacombank một số cổ phiếu đặc biệt trị giá tương đương. Nhưng nếu sau này VAMC bán số nợ đó chỉ được 27.000 tỷ đồng, thì 10.000 tỷ thiếu hụt đó ai phải chịu?
ĐB Trần Quang Chiểu: Việc này sẽ phải xử lý. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng chắc chắn ngân sách không được lấy ra để xử lý khoản chênh lệch đó, dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ như vậy. AMC các nước khác do Chính phủ thành lập và có ngân sách cấp.
VAMC của chúng ta do Ngân hàng Nhà nước thành lập và không có ngân sách, nên theo tôi – dù chưa văn bản nào nói, nhưng về mặt thực chất, có thể nó sẽ được xử lý bằng khoản chênh lệch thu chi ngân hàng hàng năm. Khoản đó bình thường sẽ được nộp ngân sách.
PV: Như vậy, cuối cùng vẫn là ngân sách đó chứ?
ĐB Trần Quang Chiểu: Như bạn hiểu cũng đúng thôi. Chưa văn bản nào bảo lấy tiền ở đâu, chỉ biết chắc chắn là không ở ngân sách ra. Có thể hiểu là các khoản bán nợ xấu và tài sản bảo đảm cao hơn theo sổ sách sẽ bù cho khoản thấp hơn, còn thiếu đâu thì để bù bằng chênh lệch thu chi ngân hàng.
PV: Về nguồn gốc phát sinh nợ xấu, một số đại biểu Quốc hội có đề nghị bổ sung điều khoản về trách nhiệm chủ quan của những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Theo ông, với những gì Quốc hội được báo cáo hiện nay, có thấy được đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan không, và Quốc hội có nên đòi hỏi Chính phủ báo cáo rõ ràng phần đó không?
ĐB Trần Quang Chiểu: Theo Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Hình sự, các khoản rủi ro tín dụng đều quy trách nhiệm, trách nhiệm hình sự thì xử lý hình sự, hành chính thì xử lý hành chính. Hiện Nghị quyết chỉ giải quyết vấn đề chính sách, cũng không yêu cầu Chính phủ phải phân tách trách nhiệm ra để xử lý vấn đề này.
Tôi nghĩ không nêu nội dung đó cũng không sao, còn nếu nêu vào cũng không thừa. Giải quyết trách nhiệm cá nhân thì căn cứ vào quy định, cơ quan hành pháp, tư pháp sẽ làm, từng vụ việc cụ thể, anh sai phạm thế nào, trách nhiệm đến đâu.
Tôi cho rằng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo tỷ lệ nợ xấu khách quan, chủ quan cũng rất khó. Để xác định thì phải tập hợp những vụ việc đã xử lý, sắp xử lý... Mà những vụ việc sắp xử lý thì còn những diễn biến tiếp theo chưa điều tra ra, phải đến lúc tòa kết án thì mới biết trách nhiệm đến đâu.
Tuy nhiên, khi thảo luận, tôi cũng đề nghị phải đưa vào điều khoản Chính phủ phải báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này với Quốc hội Khóa XIV khi kết thúc khóa vào năm 2020 hoặc hàng năm càng tốt, để Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!