Đừng tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giải cứu nợ xấu

Thứ Tư, 07/06/2017, 16:50
Có đại biểu (ĐB) Quốc hội kiến nghị “Đừng tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giải cứu nợ xấu cho các TCTD với quy định chưa chặt chẽ, tạo ra cho họ các quyền không thể thực thi hoặc phải dùng cơ chế ngoại lực nào đó để thực hiện quyền”.


Vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay mắc rất lớn ở việc xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến người gây nợ chây ì, kéo dài thời gian thu hồi nợ; tuy nhiên, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu sáng 7-6, các ĐBQH vẫn lo ngại trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sẽ là trao một quyền không thể thực thi.

Dự thảo Nghị quyết quy định: Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện: các tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự; Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản; Giao dịch bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật; TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoàn thành nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm.

Khi thảo luận tại tổ, một số ĐB đã cho rằng không nên quy định quyền về thu giữ tài sản bảo đảm, vì pháp luật dân sự coi giao dịch dân sự là thỏa thuận, pháp luật đã giao Toà án xử lý, trừ trường hợp luật khác có quy định; việc quy định quyền thu giữ của TCTD không qua trình tự, thủ tục tư pháp có thể ảnh hưởng quyền công dân, việc thu giữ chỉ nên thực hiện khi có phán quyết của tòa án.

Một số ĐB cho rằng Chính phủ hiện chưa tổng kết tình hình thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị định số 163 của Chính phủ, nên cần có đánh giá đầy đủ.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung 

Tại phiên thảo luận sáng 7-6, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) một lần nữa lo ngại về điều này. Theo ĐB, quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được xác lập và bảo đảm bởi pháp luật. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các TCTD có cầm giữ giấy tờ, thì quyền sử hữu và sử dụng vẫn được pháp luật xác lập cho tổ chức, cá nhân thế chấp. Nếu cho phép TCTD thu giữ tài sản khi người thế chấp chưa đồng ý thì xâm phạm đến quyền tài sản đã được Hiến pháp hiến định. Vì giao dịch vay vốn là giao dịch dân sự, nên cần xử lý bằng pháp luật dân sự. Các TCTD đơn phương thu tài sản bảo đảm khác hoàn toàn việc tịch thu tang vật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hay thực thi bản án có hiệu lực của pháp luật, ở đây TCTD là 1 doanh nghiệp, không phải CQNN có thẩm quyền.

“Hiện chúng ta có một bộ máy chuyên nghiệp như cơ quan thi hành án dân sự để thực thi bản án, quyết định cưỡng chế thu hồi đất... cùng với các Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính, Luật đất đai... còn chưa đủ đảm bảo đạt kết quả trong trường hợp kê biên, cưỡng chế, thu hồi đất, tài sản nếu bị chống đối. Vì vậy, quy định 5 điểm về thu giữ và trình tự thu giữ tài sản như trong Nghị quyết là quá lỏng lẻo, đơn giản, sơ sài, thậm chí còn thiếu một quy trình rất quan trọng là kiểm đếm tài sản đảm bảo trước khi thu giữ” – ĐB nhấn mạnh. “Nếu tài sản lớn hơn khoản nợ mà chưa kiểm đếm đã thu giữ thì xử lý  tranh chấp thế nào nếu chủ tài sản khiếu nại việc làm hỏng hóc, mất mát tài sản? Chưa kể tài sản đó còn liên quan đến quyền lợi của người thứ 3”.

Bên cạnh đó, ĐB cũng đặt câu hỏi về phạm vi trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự của lực lượng công an địa phương đến đâu? thực hiện thế nào? nếu ở cấp xã thì có làm được không? bởi nhiều trường hợp người bị cưỡng chế cố thủ trong nhà, thậm chí dọa tự sát để chống lại...

ĐB kiến nghị “Đừng tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giải cứu nợ xấu cho các TCTD với quy định chưa chặt chẽ, tạo ra cho họ các quyền không thể thực thi hoặc phải dùng cơ chế ngoại lực nào đó để thực hiện quyền”.

ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, theo dự thảo Nghị quyết là ưu tiên cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm trước. Tuy nhiên, hiện pháp luật quy định nghĩa vụ đầu tiên là tiền cấp đưỡng, trả lương cho công nhân, người lao động, trợ cấp mất việc làm, bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần... Nếu ưu tiên thanh toán nợ cho các TCTD, thì các quyền và nghĩa vụ của người dân được Hiến pháp quy định sẽ không dược thực hiện đúng và đủ.

ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cũng lo ngại việc trao quyền thu giữ tài sản thì vô hình trung TCTD đã trở thành cơ quan công an, cơ quan thi hành án, nếu không khéo sẽ làm bất ổn trật tự tại địa phương. Do đó, ĐB cho rằng nếu Quốc hội xem đây là hợp đồng ủy quyền, nên quy định cho TCTD được quyền chuyển nhượng cho người khác thông qua đấu giá công khai, không cần thu giữ tài sản bảo đảm. Trường hợp này, người mua tài sản qua đấu giá sẽ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thành của mình, nếu người thế chấp tài sản vẫn chống đối thì xử lý theo pháp luật, kể cả pháp luật hình sự.


Vũ Hân
.
.
.