Ngành Hải quan chú trọng ngăn chặn gian lận xuất xứ

Thứ Ba, 15/12/2020, 08:18
Trong tháng cuối năm 2020, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) làm thủ tục thông quan hàng hóa. Đồng thời, ngành Hải quan chủ động đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, chuyển tải bất hợp pháp, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa.

Chủ động trong công tác đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã chủ động trong công tác đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp được đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; thông tin cảnh báo về các hành vi gian lận và các biện pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa của cơ quan chức năng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN xuất nhập khẩu (XNK) để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm.

Theo đó, từ ngày 4/10/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch số 1195/KH-BTC về việc kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp. Trong thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 18/10/2019 đến hết 30/4/2020 lực lượng kiểm soát Hải quan đã phát hiện 42 vụ vi phạm liên quan về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa; ra quyết định khởi tố 2 vụ, chuyển tin báo về tội phạm và cung cấp hồ sơ cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.

Trên thực tế, qua phân tích đánh giá hoạt động XNK, số liệu thống kê và tình hình thực tế tại các cửa khẩu, cơ quan hải quan đã phát hiện một số hành vi DN nước ngoài tìm cách gian lận C/O và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp tại Việt Nam. Một số DN đã thực hiện hoạt động đầu tư nhưng thực chất là đầu tư gia công lắp ráp hàng hóa đơn giản lấy C/O Việt Nam để xuất khẩu, như: Hàng hóa không đáp ứng các quy định của Việt Nam, cũng như quy định tại các hiệp định thương mại, nhưng vẫn gắn chữ “made in vietnam” và xin giấy chứng nhận C/O Việt Nam để xuất khẩu vào các quốc gia khác, điều này đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đơn cử như vụ việc kiểm tra 4 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ thì cả 4 DN đều vi phạm. Thủ đoạn của DN vi phạm là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác, hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như: Gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in label cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt C/O “Việt Nam”. Cơ quan hải quan đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp.

Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc chia sẻ các dữ liệu thống kê, đánh giá năng lực của DN sản xuất, cũng như theo dõi sát hoạt động của DN từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu thành phẩm. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra; phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có biện pháp xử lý.

Cơ quan hải quan thực hiện hàng loạt biện pháp đơn giản thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu

Để tạo điều kiện cho DN xuất khẩu, ông Âu Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan hải quan thực hiện hàng loạt biện pháp đơn giản thủ tục hành chính. Cụ thể là cho phép toàn bộ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được thực hiện điện tử. DN không phải đến trực tiếp các điểm làm thủ tục hải quan.

Hơn nữa, do dịch COVID-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và áp dụng việc cấp chứng từ điện tử đối với chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), để tạo thuận lợi cho DN XNK, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn cho phép DN nộp chứng nhận C/O điện tử và cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra, thông quan hàng hóa để DN được hưởng ưu đãi, không yêu cầu DN phải nộp bản C/O giấy (bản chính) như trước đây.

Ngoài ra, cơ quan hải quan đã dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, chỉ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan hải quan mới tiến hành kiểm tra. Để hỗ trợ DN trong việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho việc phòng, chống dịch, Bộ Tài chính và cơ quan hải quan đã ban hành danh mục hàng hóa cho việc sản xuất nước rửa tay, chế phẩm y tế; cũng như thực hiện việc giảm thuế, miễn thuế cho hàng hóa phục vụ phòng chống dịch COVID-19…

Bên cạnh tạo thuận lợi, hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc cho DN XNK, việc ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa cũng rất quan trọng. Do vậy, thời gian vừa qua, cơ quan hải quan bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN cũng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu và hàng hóa thành phẩm để xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi như đồ gỗ, hàng dệt may...

Mới đây, Bộ Công Thương công bố một số mặt hàng dệt may xuất khẩu đã đạt ngưỡng được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu. Chủ động ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, cơ quan hải quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro, nhận diện DN gian lận C/O của Việt Nam để xuất sang các nước khác. Cơ quan hải quan đặc biệt quan tâm giám sát các mặt hàng xuất khẩu sang các nước ký hiệp định thương mại tự do với nước ta, với mức ưu đãi thuế đặc biệt…

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của nước ta, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính,… tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả hàng loạt giải pháp chống buôn lậu nhằm đấu tranh triệt để với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan, góp phần răn đe, phòng ngừa, hạn chế phát sinh tội phạm trong lĩnh vực này.

Lưu Hiệp
.
.
.