Hải quan chủ động xây dựng các giải pháp phòng, chống gian lận xuất xứ

Thứ Bảy, 21/11/2020, 09:07
Thực hiện Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo trong toàn ngành triển khai loạt giải pháp từ việc đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách đến trực tiếp đấu tranh phát hiện các hành vi vi phạm.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã thực hiện tổ chức sắp xếp, đào tạo cán bộ công chức ở khâu thủ tục để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để xử lý theo đúng quy định.

Trong quá trình đấu tranh phòng, chống gian lận xuất xứ, Tổng cục Hải quan đã thực hiện thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm hành vi vi phạm; rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm. Đặc biệt, hoạt động đấu tranh được thực hiện thông qua kế hoạch thanh tra, điều tra, xác minh cụ thể.

Lô hàng linh kiện xe đạp vi phạm về xuất xứ do Cục Hải quan Bình Dương phát hiện và xử lý.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, cơ quan Hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1894 C/O không đủ điều kiện. Gần đây nhất, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) thông tin về việc phát hiện một doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu tơ tằm Trung Quốc cho “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Ấn Độ. Quá trình kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty M, cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp này xin cấp 8 C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Form AI để xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Hành vi của doanh nghiệp nhằm lẩn tránh thuế suất cao. Bởi, nếu tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%. Tuy nhiên, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%. Quá trình đấu tranh của Cục Kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp thừa nhận hành vi vi phạm.

Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng. Đến nay, doanh nghiệp đã chấp hành nộp đủ số tiền vào ngân sách theo quy định.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý như: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019). 

Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP, Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan, trong đó bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp...

Để triển khai hiệu quả các biện pháp đấu tranh, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành. Kiến nghị trao đổi, kết nối thông tin cấp C/O giữa Bộ Công Thương, VCCI với cơ quan Hải quan để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng; phối hợp với các hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện cơ sở pháp lý như kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm về xuất xứ hàng hóa và sớm ban hành thông tư quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa, trong đó cần quy định cụ thể các tiêu chí đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp để tiêu thụ nội địa ít nhất phải bằng với tiêu chí xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng được tăng cường triển khai thông qua việc chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Phan Đức
.
.
.