Ngăn ngừa gian lận thương mại trong khai báo hải quan

Thứ Hai, 12/09/2016, 09:39
Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, trong quá trình phân tích, đánh giá rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, lực lượng chuyên trách quản lý rủi ro cấp Tổng cục Hải quan đã phát hiện rất nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) hủy, sửa tờ khai.

Trong đó có nhiều DN hủy, sửa tờ khai nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định nhằm né tránh việc phân luồng (Xanh-Vàng-Đỏ) hòng buôn lậu, gian lận thương mại.

Tính từ cuối tháng 2-2016 đến hết tháng 7-2016, trung bình mỗi tháng, lực lượng Hải quan phát hiện 600 DN hủy tờ khai và 800 DN sửa tờ khai. Qua xử lý, lực lượng đã phát hiện trên 200 DN lợi dụng việc hủy, sửa tờ khai để buôn lậu, gian lận thương mại. 

Công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ.

Trong đó, DN lợi dụng hình thức khai bổ sung để gian lận trong khai báo hải quan về số lượng đối với hoạt động nhập khẩu (NK) gạch ốp lát Trung Quốc, DN khai báo thiếu số lượng gạch so với thực nhập tại tờ khai ban đầu theo loại hình nhập tiêu dùng (A11). 

Sau khi tờ khai bị phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa, DN sửa tờ khai, khai tăng thêm số lượng. Cụ thể, DN khai báo thiếu số lượng gạch so với thực nhập tại tờ khai ban đầu theo loại hình A11, sau khi tờ khai bị phân luồng kiểm tra thực tế, DN khai bổ sung tờ khai mới theo loại hình H11 (khai báo chung container và vận đơn với tờ khai ban đầu theo loại hình A11) đối với hàng hóa thừa sau kiểm tra để né tránh xử lý vi phạm về hải quan và xử phạt về thuế.

Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro, các trường hợp khai bổ sung đã được quy định rõ tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhưng thực tế có nhiều DN lợi dụng việc khai bổ sung để né tránh việc phân luồng nhằm tránh kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại. 

Qua theo dõi, phần lớn các mặt hàng thuộc các tờ khai hủy, sửa thường là NK kinh doanh có điều kiện, có thuế suất cao, kim ngạch lớn như gạch ốp lát, gỗ, bột đá… có nguy cơ vi phạm rất lớn, trong đó tập trung tại các địa phương có lưu lượng hàng hóa lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục Quản lý rủi ro đưa ra cảnh báo gửi các đơn vị Hải quan địa phương lập danh sách DN trọng điểm để thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro. Mặt khác, đơn vị cũng phối hợp với lực lượng kiểm tra sau thông quan để tiến hành xử lý, truy thu thuế nộp vào ngân sách Nhà nước. 

Lực lượng Hải quan kiểm tra một lô hàng tại kho.

Đồng thời, đối với một số DN có dấu hiệu vi phạm, đơn vị cũng chuyển danh sách cho lực lượng chuyên trách chống buôn lậu nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm. 

Đồng thời, Cục Quản lý rủi ro cũng đề xuất Bộ Tài Chính sửa đổi một số quy định hiện hành. Trong đó, sửa đổi Thông tư số 38 theo hướng chỉ cho phép DN khai bổ sung trước thời điểm chuyển luồng. 

Tổng cục Hải quan đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ vào danh sách các DN có tờ khai hủy trên toàn quốc, chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc xử lý dứt điểm đối với các tờ khai đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan nhưng chưa được hủy theo quy định và các tờ khai thực tế thông quan, giải phóng hàng nhưng chưa được cập nhật trên hệ thống; đồng thời kiểm tra làm rõ lý do và có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các trường hợp công chức Hải quan giải quyết thủ tục hải quan chậm, không đúng thời hạn. 

Đồng thời, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra việc tiếp nhận đăng ký và làm thủ tục hải quan, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời đối với các trường hợp cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy trình, quy định dẫn đến xảy ra buôn lậu, trốn thuế hoặc các vi phạm pháp luật khác trong quá trình làm thủ tục hải quan. 

Đồng thời, phân loại và thông báo cho DN biết việc hủy tờ khai ảnh hưởng đến đánh giá mức độ tuân thủ của DN; hỗ trợ, hướng dẫn DN nâng cao năng lực tuân thủ.

Phan Đức
.
.
.