Một số bộ, địa phương trì hoãn việc chuyển giao vốn về SCIC

Thứ Tư, 22/02/2017, 09:22
Một số bộ/địa phương trì hoãn việc chuyển giao hoặc chỉ chuyển giao một số ít DN trên tổng số DN thuộc đối tượng chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) .

Ngày 21-2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo chuyển giao doanh nghiệp (DN) về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo CIEM, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về SCIC là giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu lại khu vực DN nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng bình đẳng, công bằng giữa các loại hình DN. Vì vậy, đây là công tác quan trọng, được Chính phủ quan tâm, đốc thúc triển khai trong thời gian qua.

Đến nay, SCIC đã tiếp nhận hơn 1 nghìn DN, với tổng vốn 9.900 tỷ đồng. SCIC đã phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng danh sách DN thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC; sau đó phân loại, kiện toàn tổ chức bộ máy, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.

Nhìn chung, các DN sau chuyển giao đều hoạt động có lãi, có bước phát triển mới, bảo đảm tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn.

Theo báo cáo của Viện CIEM và đại diện SCIC, từ năm 2013 đến nay có khoảng 234 DN Nhà nước có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, tuy nhiên, hiện mới có 61 DN chuyển vốn được, còn hơn 173 trường hợp DN thuộc diện chuyển giao và tiếp nhận như quy định trên nhưng chưa được thực hiện vì chưa có sự thống nhất cuối cùng giữa các bên, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Theo CIEM, số vốn Nhà nước tại 173 DN này vào khoảng 82.600 tỷ đồng, trong đó vốn tồn ở DN trực thuộc Bộ 46,9 tỷ đồng, vốn của các DN trực thuộc tỉnh, địa phương là 60,2 tỷ đồng.

Trong đó có 32 DN trực thuộc các bộ, ban ngành Trung ương, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 8 DN, Bộ Giao thông - Vận tải với 5 DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 5 DN, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 10 DN và Bộ Y tế có 4 DN.

Các địa phương còn giữ 141 DN, trong đó TP Hồ Chí Minh còn giữ 50 DN, Gia Lai 15 DN, Thừa Thiên - Huế 13 DN, Bình Định 11 DN, Điện Biên 7 DN. Đáng lưu ý là, tốc độ chuyển giao vốn DN về SCIC đang trong xu hướng chậm lại và chưa có dấu hiệu chuyển biến.

Nhiều bộ, ban ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của DN cho SCIC. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, còn hiện tượng một số bộ, địa phương chưa tích cực triển khai, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao, muốn giữ DN lại để mình quản lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, có trường hợp SCIC không muốn nhận DN vì tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi. Trong khi đó, quy phạm pháp luật về chế tài xử lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng nên không tạo được áp lực để các bên liên quan phải thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Hiển - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, lũy kế đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường 15.000 tỷ đồng), mới bằng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại DN, trong đó hơn 80% là DN nhỏ hoạt động kém hiệu quả, số DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%. Tuy nhiên, số DN tiếp nhận đang có xu hướng giảm dần qua các năm, nhất là từ năm 2009 đến nay.

Qua hơn 10 năm hoạt động, đa số các DN được SCIC tiếp nhận bàn giao đã được tái cơ cấu, đạt kết quả khả quan, đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân chung từ 15-17%, riêng giai đoạn 2011-2015 đạt 18-20%. Đã thu về 25.700 tỷ đồng cổ tức, thu hơn 19 nghìn tỷ đồng lãi do bán lại vốn.

Ngoài ra, SCIC đã nghiên cứu, chủ động đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào một số dự án giầu tiềm năng, có tương lai tốt để thu lời, gia tăng giá trị vốn hoặc tăng cổ phần trong các DN đó bên cạnh một số khoản mục đầu tư gián tiếp…

Theo ông Hiển, dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng nhiều bộ, ban, ngành và địa phương triển khai việc chuyển vốn về SCIC rất chậm.

Một số bộ/địa phương trì hoãn việc chuyển giao hoặc chỉ chuyển giao một số ít DN trên tổng số DN thuộc đối tượng chuyển giao.

Đặc biệt, dù Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tại Công văn 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11-12-2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không được bán bớt phần vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết, trước khi bàn giao về SCIC. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty vẫn tiến hành bán vốn.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cơ quan chức năng cần có quan điểm dứt khoát và đồng bộ để thúc đẩy tiến độ chuyên giao, trong đó gắn liền với trách nhiệm các cá nhân liên quan, đặc biệt tránh thất thoát vốn và thoái thác nghĩa vụ.

Các cơ quan hữu quan cũng nên tìm hiểu, đặt câu hỏi về việc sau khi SCIC tiếp nhận DN và vốn nhà nước thì đầu tư vào những đâu, lĩnh vực nào và đạt kết quả ra sao…

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, quá trình chuyển giao chậm này thể hiện chất lượng cải cách quá chậm. “Không chỉ đơn giản là chuyển đổi chậm, sâu xa hơn là sự níu kéo lợi ích. Đấy là những thứ cần phải trao đổi để tìm kiếm giải pháp hợp lý”, ông Cung nói.

Lưu Hiệp
.
.
.