Lo không có doanh thu quý 2, doanh nghiệp du lịch tiếp tục kêu cứu

Thứ Hai, 20/04/2020, 20:36
Có gần 50% số doanh nghiệp được Hội đồng Tư vấn Du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân  khảo sát gần đây lo lắng sẽ không có doanh thu trong quý 2/2020 do COVID-19. 

Chiều ngày 20/4, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, TAB và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp du lịch trong cả nước về những khó khăn các thách thức của đại dịch COVID-19. 

Kết quả khảo sát 394 doanh nghiệp là công ty lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) từ ngày 13 đến 17/4 cho thấy, doanh thu của 71% doanh nghiệp trong quý 1 năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2/2020 sẽ giảm hơn 80% so với quý 2/2019 và 50% doanh nghiệp còn dự đoán họ sẽ không có doanh thu trong quý 2 năm 2020. 

Ngành du lịch được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn do COVID-19

Do đại dịch, doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí cho vệ sinh và khử trùng. Ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với kinh doanh bình thường, tất cả các chi phí quản lý như tiền thuê nhà, tiền lương, tiền lãi vẫn phát sinh. Các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê địa điểm hoặc trả lương. 

Để ứng phó với khó khăn, 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên. 48% doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ việc với tỷ lệ từ 50% đến 80%. Có 78% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chọn cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí. 8,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh. Chỉ có 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. 

Hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, sau dịch, ngành du lịch sẽ cần phải cơ cấu lại mạnh mẽ để phát triển, cần ưu tiên cơ cấu lại doanh nghiệp (về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ của doanh nghiệp) và cơ cấu lại thị trường khách du lịch. 

Trước mắt, để tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch, các doanh nghiệp cho rằng, bản thân họ đã phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí nhưng vẫn rất cần các chính sách tài chính của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Gần 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát quan tâm tới khả năng nhận được một khoản vay từ Chính phủ để phục hồi sau dịch.


N.Hoa
.
.
.