Lạm phát thấp, lãi suất cao, doanh nghiệp sống thế nào?

Chủ Nhật, 11/10/2015, 09:36
Lạm phát xuống dưới 1%, trong khi lãi suất không hề giảm, thậm chí còn có dấu hiệu tăng nhẹ. Người “ôm” tiền Việt nhàn rỗi gửi vào ngân hàng thì hỉ hả, nhưng doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh lại vật vã trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.


Giảm 0,21% trong tháng 9, tính chung 3 quý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Tổng cục Thống kê cho biết đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, chỉ số giá tháng 9 tăng âm. Tính chung từ đầu năm, hiện lạm phát mới ở mức 0,4% - thấp nhất trong vòng một thập kỷ, và cách xa giới hạn mà Quốc hội thông qua là 5%. Nhiều dự đoán đưa ra cho rằng khả năng hết năm 2015, lạm phát sẽ là 1,5-2%.

Lạm phát thấp kỷ lục, điều này đồng nghĩa với tiền gửi ngân hàng (NH) đang “đắt giá”. Với mức lạm phát hiện nay, người gửi tiền đang được hưởng lãi suất thực dương lớn (5-7%/năm), nhưng, ngược lại, DN sản xuất kinh doanh lại phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào, làm suy giảm năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nếu so sánh với mặt bằng chung của các nước, khi lạm phát giảm thấp tương đương với nhiều nước trên thế giới, nhưng lãi suất cho vay vẫn tiếp tục cao gấp 3-4 lần các nước nói trên, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của DN nội.

Theo thông tin của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, lạm phát của nước ta năm nay chỉ khoảng 1,5%, tương đương mức lạm phát của Trung Quốc và Mỹ (ước khoảng 1,75%). Thế nhưng, lãi suất cho vay của Trung Quốc là 4,5%/năm, của Mỹ là 3%/năm, còn ở Việt Nam đang là 9-10%/năm. Lý giải lãi suất cho vay tại Việt Nam cao gấp 3-4 lần nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước hết là lãi suất đầu vào ở Việt Nam còn cao: Lãi suất tiết kiệm của Trung Quốc là 3%, của Mỹ là 2,5%, trong khi lãi suất tiền gửi của Việt Nam (kỳ hạn trên 1 năm) là hơn 7%...

Là người có tiếng nói đại diện cho DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, mặc dù NHNN đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi, nhưng ở thời điểm hiện nay, lãi suất tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.

Trước các ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Với lạm phát ở mức thấp, đây là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Mặc dù vậy, không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều. Thực tế cho thấy, sự lên xuống của lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội, cũng như trong việc thực thi mục tiêu của chính sách tiền tệ. Lãi suất cho vay quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản. 

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay cao "ở đầu vào" sẽ được người vay tự động chuyển vào giá cả "ở đầu ra", làm tăng mức giá chung. Bởi vậy, lãi suất cho vay cần ổn định trong trung - dài hạn, hoặc ít nhất, với từng DN, lãi suất cần ổn định trong suốt vòng đời của dự án, để tạo thuân lợi và kích thích DN tăng vay để đầu tư lâu dài.

Lệ Thúy
.
.
.