Làm gì để lấp khoảng trống nhân lực du lịch thời cách mạng 4.0?

Thứ Hai, 08/07/2019, 08:02
Theo Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 1,3 triệu lao động trong du lịch. Khoảng 60% trong số này biết sử dụng máy tính thông thường để làm việc và quản lý, không phải là sử dụng công nghệ thông tin thành thạo.


Với 13.500 hướng dẫn viên quốc tế, 8.200 hướng dẫn viên nội địa, sinh viên tốt nghiệp hiện nay có khoảng 20.000 người, trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, 18.200 học sinh trung cấp và 5.000 học viên sơ cấp, nhân lực du lịch mới đáp ứng được 50% đến 60% nhu cầu thực tế. 

Chất lượng nhân lực còn thấp, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Nhưng, để giải quyết vấn đề này, ngay người trong cuộc cũng vẫn đang lúng túng.

Trong thời gian tới sẽ cần thêm nhiều kênh kết nối giữa người làm du lịch và các bên cung cấp giải pháp về công nghệ.

Giảng viên dự án Bệ phóng Việt Nam digital 4.0 – dự án do google kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức, đơn vị khác thực hiện, ông Bùi Quang sẻ rằng, cách đây không lâu, ông vào TP Hồ Chí Minh giảng dạy. Sau khi “lướt mạng” tìm hiểu thì nhận được một tiếp thị đặt phòng khá rẻ so với mặt bằng chung. Sau khi đặt phòng, ông tiếp tục nhận được rất nhiều lời mời khác về các tour du lịch ngắn quanh thành phố, các địa điểm ăn ngon, rẻ… 

Đây cũng là câu chuyện khá quen thuộc với số đông người sử dụng Internet, không chỉ riêng với người làm du lịch hoặc đang, chuẩn bị tham gia du lịch. Thông qua công nghệ, người bán sản phẩm nhiều lĩnh vực đang nắm bắt hành vi của người sử dụng Internet rất nhanh để có sự tiếp thị chính xác nhất đến người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Trần Vũ Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết, với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, ngành Du lịch không thể đứng ngoài cuộc, nếu không muốn là nhập cuộc rất sớm. Bản thân ông, khi đi công tác, nếu đặt phòng cũng lựa chọn đặt phòng online, nhất là qua các sàn giao dịch lớn, vì vừa tiện dụng, nhanh chóng, vừa rẻ hơn nhiều, có khi rẻ hơn đến 40% so với đặt phòng trực tiếp với khách sạn.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoi Tourist thì chia sẻ, cách mạng công nghệ 4.0 nghe có vẻ xa xôi nhưng với người làm du lịch trực tiếp thì thực ra, đó là những gì rất thiết thực, rất cụ thể. 

Mới đây, khi đi khai phá thị trường tại Hà Giang, vào khu du lịch cộng đồng của người dân tộc bản địa, ông phát hiện, có những gia đình là người dân tộc vẫn hằng ngày lên mạng Internet kiểm tra xem khách phản ánh thế nào về dịch vụ của mình, điểm đến của họ cung cấp đang được du khách trong và ngoài nước yêu thích ra sao trên những diễn đàn của người du lịch. 

So với mặt bằng chung, nắm bắt khoa học công nghệ tất nhiên không thể so sánh với dân làm du lịch ở thành phố lớn. Nhưng việc này cũng cho thấy, khoa học công nghệ đã chạm đến người làm du lịch ở những nơi tưởng chừng thâm sơn cùng cốc nhất. Vấn đề còn lại là hỗ trợ người làm du lịch ở những nơi này ứng dụng hiệu quả hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhận thức về cách mạng 4.0 trong du lịch vẫn chưa đầy đủ. Mấy chục năm đi giảng dạy, ông nhận thấy, rất nhiều tỉnh, rất nhiều trường giảng dạy du lịch, doanh nghiệp còn lơ mơ về cách mạng 4.0. 

Mới đây, khảo sát của một đồng nghiệp của ông đối với 30 giảng viên ở 6 trường giảng dạy đại học thì kết quả cho thấy chỉ có 33% rất thường xuyên ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, 18% người được khảo sát cho biết thường xuyên ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, có 26% ứng dụng ở mức trung bình và 36% cho rằng thỉnh thoảng mới ứng dụng… 

Nhiều hội nghị, đại biểu phát biểu hoành tráng cách mạng 4.0 nhưng hỏi cụ thể cách mạng 4.0 là cái gì thì nhiều lãnh đạo trong các khách sạn, công ty du lịch không nói được. Vì nhiều người còn hiểu lờ mờ về tác động cách mạng công nghệ 4.0 đến phát triển du lịch nên sẽ không biết tận dụng như thế nào và tận dụng ra sao. 

Không thể phủ nhận hiện nay đã có những người giỏi công nghệ trong phát triển du lịch nhưng chưa nhiều. Rất nhiều lao động, cán bộ quản lý các tỉnh lẫn doanh nghiệp chưa biết sử dụng ứng dụng công nghệ thành thạo chứ chưa nói đến sáng tạo. Đào tạo lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế nên năng lực cạnh tranh yếu. 

Thị trường lao động du lịch Việt Nam xếp thứ 4 trong 8 nước ASEAN, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin đứng thứ 4 sau Malaysia, Singapore, Thái Lan. Mức độ ưu tiên cho du lịch đứng thứ 6 trong 8 nước. Hạ tầng dịch vụ du lịch đứng cuối cùng.

Cũng theo GS Nguyễn Văn Đính, để giải quyết những vấn đề này, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản trị du lịch, người lao động trong lĩnh vực du lịch bằng cách tuyên truyền quảng bá để hiểu về cách mạng 4.0 đến đời sống du lịch. Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và ứng dụng thành quả của cách mạng 4.0, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi quốc gia. Cần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, làm công tác đào tạo và ứng dụng nhiều hơn trong công tác giảng dạy. 

Doanh nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch cần xây dựng quan điểm một cách chặt chẽ trong đào tạo, huấn luyện người lao động trong du lịch hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế. 

Lý do là nhiều diễn giả nói rất hay nhưng mới chỉ có khoảng 25% lao động ứng dụng công nghệ là quản lý thôi. Còn lao động trực tiếp như bàn, buồng, lễ tân… có cần ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ không, ứng dụng như thế nào? Những nhà giỏi về công nghệ thông tin phải giúp được các trường, doanh nghiệp, bày cho họ thì họ sẽ ứng dụng rất nhanh. Nếu không, họ không biết có những ứng dụng công nghệ nào phù hợp để tận dụng…

Được biết, để góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực trong cách mạng 4.0, mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) thống nhất ký thoả thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các Hội viên VITA đáp ứng nhu cầu triển khai du lịch trực tuyến.

N.Nguyễn
.
.
.