Đà Nẵng tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cách mạng 4.0

Chủ Nhật, 31/03/2019, 09:13
Nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn duy trì được tăng trưởng kinh tế ổn định, TP tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)-truyền thông, giữ vị trí cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính.

Việc thu hút vốn đầu tư có bước ngoặt lớn ngay đầu năm 2019, song tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp đang là một thách thức lớn mà Đà Nẵng đang đối mặt. Sáng 30-3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ”, nhằm tìm những sáng kiến và giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhấn mạnh đến 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Với định hướng đó, Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác; các ngành dịch vụ chất lượng cao, bao gồm logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án đổi mới sáng tạo; các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, chiến lược như cảng biển, hàng không, xử lý rác thải và môi trường, xây dựng TP thông minh...

Đà Nẵng đang cần nguồn nhân lực lành nghề để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Lê Vân.

TP cũng xác định thị trường và đối tác trọng điểm thu hút đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, một số quốc gia châu Âu (Đức, Pháp)...; các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan...

Những ngày qua, Đà Nẵng đã khánh thành Khu CNTT tập trung quy mô lớn nhất Việt Nam, với mục tiêu tạo ra doanh thu 1,5 tỷ USD/năm; khởi công xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine (tổng mức đầu tư 170 triệu USD), dự án mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều (mức đầu tư 100 triệu USD)... Những dự án này vừa là động lực, vừa là minh chứng về những chuyển biến mạnh mẽ của Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Nó cũng kéo theo nhu cầu to lớn về nguồn nhân lực có chuyên môn.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, TP đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực như những nguy cơ về sự tụt hậu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các địa phương và khu vực lân cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận.

Thống kê cho thấy, Đà Nẵng hiện có dân số 1,2 triệu người, với lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm hơn 55%. Trong năm 2018, Đà Nẵng đã giải quyết việc làm mới cho 24.500 lao động, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 51%. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu lao động của Đà Nẵng tăng thêm hơn 250 nghìn người và đến năm 2030 tăng thêm 450 nghìn người.

Theo đó, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160 nghìn lao động (riêng ngành Dịch vụ du lịch tăng khoảng 40 nghìn lao động) và đến năm 2030 tăng 330 nghìn lao động (riêng ngành dịch vụ du lịch có thể đạt tăng 70 nghìn lao động); nhóm ngành Công nghiệp – xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67 nghìn lao động (riêng ngành CNTT tăng khoảng 22 nghìn lao động), đến năm 2030 tăng khoảng 130 nghìn lao động.

Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” của Đà Nẵng trong nhiều năm luôn năm sau cao hơn năm trước. Chính quyền TP đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho các cơ sở đào tạo và trường học đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động mới tốt nghiệp đa số chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp.

Sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung – cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Mặc khác, việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo trong việc xây dựng một chương trình đào tạo thực tế và thiết thực, để học viên được thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc. Chung quy, Đà Nẵng đang rất thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... 

Theo ông Takeshi Takeuchi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, hiện có 134 doanh nghiệp Nhật Bản đang có hoạt động đầu tư tại TP; doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lớn về lĩnh vực CNTT và công nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn nhân lực tại chỗ còn hạn chế, tỷ lệ gắn bó với nơi làm việc giảm; lao động Việt Nam hiện đang có xu hướng đi lao động tại các thị trường khác ngoài Việt Nam.

Còn ông Kelvin Loebbaka, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC Hòa Kỳ cho biết, đến năm 2022, UAC có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.087 kỹ sư phục vụ cho hoạt động sản xuất và đến năm 2025 sẽ là hơn 4 nghìn lao động…

Dù nhiều cơ sở đào tạo, nhưng theo các đại biểu dự tọa đàm, chính việc đào tạo theo hình thức ngành nghề truyền thống, đào tạo theo hình thức dàn trải, bề rộng chứ chưa chú trọng vào đào tạo chuyên sâu, lý thuyết chưa gắn với thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, trong khi sinh viên ra trường vẫn không có việc làm. Với thực tế đào tạo hiện nay, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật mới tốt nghiệp tại Đà Nẵng khó lòng đáp ứng hoàn hảo nhu cầu lao động kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp...

“Nhận thức được những khó khăn trong công tác đào tạo, nghiên cứu, tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của TP”, ông Võ Công Trí chia sẻ. Để thực hiện chương trình này, TP Đà Nẵng dự kiến rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư, bảo đảm hài hòa, nhân văn, hỗ trợ tích cực cho phát triển KT-XH; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; thực hiện liên thông, minh bạch về thị trường lao động... 

Qua buổi tọa đàm, các đại biểu, nhất là đại diện các doanh nghiệp, chủ thể trực tiếp sử dụng lao động đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự tại Đà Nẵng; đề xuất, hiến kế với chính quyền các chính sách phát triển nguồn nhân lực cho TP cả về chất và lượng; đồng thời đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận các giải pháp mà đại biểu đề xuất để đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các trường với việc phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, trang bị được những kiến thức, kỹ năng thiết thực cho sinh viên, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và yêu cầu thực tiễn, đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ và đổi mới chính sách thu hút nhân lực, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tại địa phương.

Thân Lai
.
.
.