Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn rẻ

Thứ Hai, 05/10/2020, 08:05
Lần thứ 3 kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “xuống tay” giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động về mức thấp chưa từng có: 2,5% cho kỳ hạn 1 tháng. Tuy nhiên, dòng vốn giá rẻ vẫn còn ngoài tầm với của doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay vẫn cao

Ngày 30-9-2020, NHNN đã ban hành quyết định giảm một loạt các loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 1-10. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. 

Cùng với đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường. 

Đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN quyết định  giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%).

Động thái của NHNN lập tức nhận được phản ứng từ thị trường, song khác với các lần trước, mức độ giảm lãi suất của các ngân hàng không rầm rộ, vì thực tế, lãi suất huy động của các NHTM trên thị trường tại các kỳ hạn dưới 6 tháng hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành. 

Tương tự, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên dù giảm thêm 0,5%, nhưng có vẻ việc đẩy vốn ra nền kinh tế cũng không nhiều khả quan, khi mà sức cầu tín dụng của doanh nghiệp còn yếu.

Theo quy luật, lãi suất huy động giảm sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm, giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều ý kiến cùng chung nhận định rằng, giảm lãi suất có thể không mang tới quá nhiều ý nghĩa. 

Hơn nữa, đáng chú ý, mức giảm lãi suất cho vay chỉ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, còn lại những lĩnh vực khác vẫn phải theo thỏa thuận và vượt ngoài khả năng sinh lời của doanh nghiệp. 

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay trên thị trường với các khoản vay trung, dài hạn vẫn duy trì từ 8,5% - 11%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này. Có thể dẫn chứng như tại Teccombank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng ở mức từ 2,65 - 2,85%/năm, thế nhưng, lãi suất cho vay của ngân hàng này lại khá cao. 

Cụ thể, lãi suất cho vay cố định trong năm đầu là 8,79%/năm, sau ưu đãi sẽ là 11,5%/năm. 

Thực tế, mức này còn quá xa vời, thậm chí gần gấp đôi mức kiến nghị của các doanh nghiệp là trong bối cảnh hiện nay, lãi suất hợp lý để có thể hỗ trợ doanh nghiệp vay trung và dài hạn chỉ nên dao động quanh mức 6%-6,5%/năm. 

Tất nhiên, biện minh cho chính mình, các ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay theo kiến nghị của các doanh nghiệp là rất khó, bởi, lãi suất huy động giảm nhưng số dư huy động lãi suất cao từ năm trước vẫn còn. Mặt khác, dù thừa vốn nhưng ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn…

Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng đều dưới mức trần.

Tác động hạn chế

Trong báo cáo phân tích về động thái giảm lãi suất điều hành lần 3 của NHNN, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. 

Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ NHNN. 

Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các NHTM giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp. 

“Tựu trung lại, chúng tôi cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. 

Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế”, BVSC nhận định.

Có cùng quan điểm, các chuyên gia đến từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng các NHTM đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN. 

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù lượng bơm/hút ròng của NHNN gần như bằng 0 nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 92 tỷ USD. 

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Thực tế, trong 4 tháng gần đây, NHNN tạm ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1 – 0,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2% - 0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, vẫn thấp hơn rất nhiều các lãi suất vay vốn mới từ NHNN. 

“Lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3,0 – 3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ ở mức 2,2 – 2,5%/năm, tức là đã thấp hơn mức trần mới. Bởi vậy, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. 

Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 – 0,3%/năm trong quý IV/2020” – các chuyên gia của SSI Research nhận định.

Còn dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng hiệu quả của đợt giảm lãi suất lần này với tăng trưởng không nhiều. Đáng chú ý, vị chuyên gia này lo ngại việc cắt giảm lãi suất tiềm ẩn rủi ro như khiến lạm phát tăng. 

Bên cạnh đó, lãi suất giảm xuống mức thấp có thể khiến hình thành một dòng tiền chảy khỏi ngân hàng, rót vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ như: Vàng, chứng khoán, bất động sản… từ đó hình thành bong bóng tài sản.

Hà An
.
.
.