Kiểm tra chuyên ngành vẫn đang làm khó doanh nghiệp

Thứ Bảy, 16/06/2018, 06:35
Ngày 13-6, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết


Cần bãi bỏ tình trạng chồng chéo trong quản lý

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc là những thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. 

Kết quả thu được rất tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, phục vụ đắc lực cho mục tiêu mở rộng xuất khẩu và đưa Việt Nam trở thành nước có mức xuất khẩu trên mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết quả thu được đã đáp ứng đủ, tốt những kỳ vọng từ Chính phủ cũng như của cộng đồng doanh nghiệp (DN) chưa?

Cần tăng cường kết nối kịp thời và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý trong kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho DN XNK.

Hiện, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa (đối với hàng không phải kiểm dịch) trung bình là 48 giờ-tức là đã đáp ứng chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết 19. Tỷ lệ hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng đạt yêu cầu. Nhưng, đối với nhu cầu kiểm dịch động vật thì chưa đạt.

Đến nay, đã có 11 bộ, ngành; 28 cơ quan, đơn vị liên quan đã kết nối, thực hiện thủ tục liên thông quốc gia, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại  và 1 cửa ASEAN. Song, số lượng thủ tục thực hiện chưa nhiều so với các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thuộc tổ chức USAID Việt Nam cho rằng, cơ quan hải quan cần chủ động giảm thiểu mức độ rủi ro đối với hàng hóa, tức là bảo vệ quyền lợi DN một cách hiệu quả, với biện pháp phù hợp thực tế.

Chi phí phục vụ kiểm tra còn lớn

Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết, thời gian qua, mặc dù Chính phủ kêu gọi cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho DN, nâng cao năng suất nền kinh tế.

Tuy nhiên, các điều kiện và rào cản vẫn rất nhiều. Hiện, phản ánh của các DN cho thấy cứ 5 lô hàng DN nhập về thì bị kiểm tra chuyên ngành một lô hàng, trong khi đó lô hàng đó đã được chứng minh không có rủi ro, DN hoạt động tốt.

Theo quy định nếu là mặt hàng khác nhau thì mới cần kiểm dịch, còn nếu cào bằng 5 lô nhập về, kiểm 1 lô thì chưa ổn. Đơn cử, DN thực phẩm làm một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong không.

“Khi lấy mẫu, cơ quan chức năng không lấy một mẫu mà lấy 5 mẫu. Vì thế, khi tính tiền, đơn giá là 971.000 đồng đối với 5 mẫu sẽ khiến DN mất gần 5 triệu đồng. Tiền cũng như thời gian công sức của DN cho vấn đề này hiện nay là cực lớn”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, việc kiểm tra chuyên ngành đối với cà phê không chỉ dừng lại ở đó mà lại ở chỗ mất thời gian và lỡ đơn hàng xuất khẩu của DN.

“Mất 2 tháng để thủ tục kiểm tra chuyên ngành xong xuôi, đối với sản phẩm cà phê, ít nhất là 1 năm rưỡi. Hệ quả là một lô hàng thực phẩm xuất khẩu bị mất nhiều thời gian để làm thủ tục. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT nhanh chóng điều chỉnh Thông tư 25/2016 làm sao để sản phẩm có nguy cơ thấp như sữa phải loại bỏ khỏi danh sách kiểm tra chuyên ngành để tránh gây phiền toái, mất tiền của thời gian của DN”, ông Tuấn đề nghị.

Liên quan đến thay đổi cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, ông Phạm Thanh Bình cho biết, đây đang là thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí nhất hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, cần sớm thực hiện giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kết nối kịp thời và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nâng cao mức độ công nhận kết quả kiểm tra giữa các đơn vị chức năng, khuyến khích cơ chế hợp tác và phản biện từ phía DN và cộng đồng; chia sẻ thông tin, rà soát tình hình, phân tích, tổng hợp thực tế và báo cáo, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định, quy trình bất hợp lý vì DN.

Phan Đức
.
.
.