Khôi phục hoạt động sau COVID-19: Doanh nghiệp tăng cường kết nối

Thứ Ba, 19/05/2020, 10:28
Chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu đứt đoạn do tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên tới thời điểm này, Việt Nam đã khống chế dịch thành công, từng bước đưa cuộc sống trở lại nhịp sống bình thường mới. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) cùng bắt tay vào tìm cách hoá giải những khó khăn biến thành cơ hội, để từng bước vực lại sản xuất, khôi phục kinh doanh.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, tác động và hậu quả của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế là không thể đo đếm. Nhưng ở chiều ngược lại, khó khăn do dịch bệnh lại khơi dậy tinh thần DN, hợp tác và chia sẻ khó khăn. 

Bên cạnh đó, do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho các DN phải tìm cách đi mới, cách làm mới để thích ứng và phát triển. Từ thực tiễn của ngành cơ khí trong thời gian qua, ông Long mong muốn đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy các DN ngành cơ khí, chế tạo phát triển. 

Tuy nhiên, để có động lực thúc đẩy DN hồi phục thì cần triển khai nhanh và hiệu quả những giải pháp toàn diện mà Chính phủ đã đưa ra như giãn nợ, giảm lãi suất, giãn các nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp của DN, giảm thuế nhập khẩu vật tư… Nên đơn giản hóa các điều kiện áp dụng để những chính sách ưu đãi đó nhanh chóng đến được với DN.

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam cho biết, đại dịch đi qua thì nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn. 

Trong ngành công nghiệp phụ trợ đặc biệt là công nghiệp cơ khí vẫn có được đơn hàng khi mình tham gia và đáp ứng được tiêu chuẩn của các đối tác. Trong thời gian qua, công ty tập trung vào đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Khi đạt được quy chuẩn đó thì tại thị trường trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI cũng thuận lợi hơn rất nhiều. 

Có đơn hàng thì DN sống, công nhân có việc làm. Trong lúc này, các DN cần phát huy tính liên kết, phải xác định là sản phẩm của mình cung cấp cho thị trường, khách hàng nào, như Hikari xác định từ đầu là các khách hàng FDI nên đã tìm hiểu và làm theo văn hoá của họ. “Việc lựa chọn đúng từ đầu, có đầu tư chọn lọc và sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn và tăng cường tính liên kết thì DN sẽ trụ được và phát triển bền vững”, ông Cường nói.

Về vốn và chính sách thuế, ông Cường cho rằng, DN FDI mạnh về tài chính, lại được nhiều ưu ái về thuế suất nhập khẩu. Nhưng muốn phát triển, chúng ta cần cơ chế giống nhau. Do đó, nên tạo ra những con chim đầu đàn đang khoẻ mạnh, nhưng cần có sự hỗ trợ cho những con chim sau. Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn phát triển lớn mạnh, họ sẽ là người dẫn đầu kéo và hỗ trợ các DN nhỏ đi lên.

Ông Hoàng Đức Vượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh cho rằng, hiện nay DN sản xuất, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ngành nhựa. Hiện, nhựa xuất khẩu chiếm tới 60-70%, còn lại khoảng 30% tiêu thụ nội địa. 

Khi tiêu dùng sụt giảm, đặc biệt là các ngành sản xuất bị ngưng trệ tác động dây chuyền tới ngành nhựa, để nâng tỷ lệ xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước là rất khó khi tâm lý người tiêu dùng hiện đang hạn chế chi tiêu, xây dựng. Trong thời gian tới, Chính phủ kích cầu bằng các gói hỗ trợ, đầu tư công được triển khai thì sẽ tạo động lực cho các DN hồi phục dần. 

Bởi, thị trường trong nước lúc này là “cứu cánh” cho DN nhưng phải có động lực thúc đẩy như triển khai các công trình xây dựng, giao thông, bất động sản… khi các công trình được triển khai nhu cầu về việc làm, xây dựng, mua sắm sẽ tăng lên và hàng hoá theo đó cũng sẽ tìm được thị trường cho mình. Ngoài ra, các DN một số ngành nghề có thể ngồi lại cùng nhau bàn thảo xem có thể tiêu dùng sản phẩm của nhau, hợp tác kích cầu để tạo dòng chảy cho sản xuất.

Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cũng cho hay, trước đây DN đang xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đức nhưng thị trường đang tạm ngừng do chống dịch nên đã chuyển hướng sang thị trường Nhật và thị trường trong nước. Nếu DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn này, lấy lại đà tăng trưởng. 

Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Về phát triển ngành cơ khí, ông Đào Phan Long cũng cho rằng, trước mắt cần quy hoạch và tổ chức lại sản xuất của ngành cơ khí chế tạo cùng các ngành công nghiệp khác; thúc đẩy việc hợp tác thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài. 

Trong lúc sản xuất còn đình trệ, các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho DN nâng cấp máy móc thiết bị để khi thị trường trở lại bình thường sẽ không gặp tình trạng sản xuất bị gián đoạn. Chính phủ cũng nên chỉ đạo quyết liệt các dự án đầu tư công về giao thông, năng lượng và môi trường… để tạo nhiều việc làm cho DN trong nước. Khi có việc làm, DN nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Để đẩy nhanh việc khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với cộng đồng DN trong triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt, lâu dài. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN cần sớm triển khai một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư mang tầm chiến lược quốc gia để tăng cường các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các “đại bản doanh” của các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Qua đó, chủ động tham gia kiến tạo và vận động để đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ các tập đoàn, DN nước ngoài tìm tới. 

Đồng thời, ông Lộc cũng khuyến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa, giúp họ đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN là rất cần thiết. Nhờ đó, có thể đẩy nhanh việc thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá hay các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. 

Thị trường tiêu thụ vẫn luôn là khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm này. Do đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành nên sớm phát động những tháng cao điểm của phong trào vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”… để tiếp sức cho DN Việt.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, để DN khôi phục lại sản xuất trước hết cần tăng cường tính liên kết DN một cách thực chất, liên kết giữa DN Việt với DN Việt và với DN FDI. Có tham gia được vào chuỗi sản xuất, cung ứng thì DN mới vực dậy sản xuất. Bên cạnh đó là phát triển thị trường trong nước, thị trường trong nước hiện được cho là “cứu cánh” cho DN. 

Tuy nhiên, để hiện thực hoá được điều này rất cần cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng phải ngồi lại với nhau, tìm được tiếng nói và cũng hoá giải những điểm nghẽn. Bởi DN là người hiểu nhất thị trường cần gì, thiếu gì và hoá giải điểm nghẽn ở đâu, lúc này đây tính liên kết cần phải phát huy một cách tốt nhất giữa địa phương, DN, ngành hàng. 

Sự liên kết tốt sẽ giải được bài toán thị trường. Còn gỡ khó về cơ chế, chính sách thì để các cấp, bộ ngành, Chính phủ gỡ từng bước trong cắt giảm điều kiện kinh doanh để hỗ trợ DN phát triển. Quan trọng là phía DN tìm được hướng đi đúng cho mình trong việc xây dựng sản phẩm, thị trường.

Như nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có thời cơ vàng để bứt phá về kinh tế song song với những kết quả đáng tự hào của công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ Chính phủ tới DN và người dân; các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để Việt Nam thêm lần nữa giành được thắng lợi trên mặt trận phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Lưu Hiệp
.
.
.