“Cứu” doanh nghiệp bằng chính sách thuế phù hợp

Thứ Ba, 07/05/2013, 00:19
Liên tục trong 3 năm qua, nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp (DN) đã được Chính phủ chỉ đạo và giao cho các Bộ, ngành triển khai.

Cùng với đó là chính sách miễn, giảm đối với tiền thuê đất, sử dụng đất và các chính sách bổ trợ khác như tăng cường khả năng huy động vốn cho DN thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ (DNVVN); xem xét điều chỉnh giảm lãi suất tín dụng cho DN xuất khẩu.

Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp về thủ tục hành chính thuế, như tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ cho DN. Mặc dù việc thực hiện các giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), miễn thuế, khoán thuế GTGT, thuế TNCN trên thực tế đã tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp miễn, giãn, giảm và gia hạn thuế không chỉ góp phần giảm nghĩa vụ của DN, mà còn giúp DN tháo gỡ khó khăn tạm thời về vốn đầu tư, bổ sung thêm nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trên cơ sở đó, DN có thể vượt qua khó khăn, phát triển và tiếp tục đóng góp vào nguồn thu NSNN những năm tiếp theo.

Trước những dự báo về xu hướng kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục không mấy sáng sủa, các chuyên gia kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp tài chính đồng bộ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện tình trạng khó khăn khi sức mua giảm sút, lượng hàng tồn kho vẫn lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng. Và trong nhóm các giải pháp về tài chính thì giải pháp về thuế vẫn cần được xem là cốt yếu.

Theo đó, cần đẩy nhanh lộ trình áp dụng thuế suất 20% đối với DN quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) và thuế suất 10% đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho bất động sản. Đồng thời, cũng cần xem xét các mức giảm thuế GTGT đầu ra cho từng loại mặt hàng cụ thể, trên cơ sở mức độ tồn kho lớn của từng mặt hàng và mức độ thiết yếu, cũng như tính lan tỏa đối với các mặt hàng khác, nhằm giảm gánh nặng tồn kho, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực sản xuất.

Bên cạnh các biện pháp giãn, gia hạn thuế đang áp dụng, có thể xây dựng cơ chế khuyến khích thông qua thưởng cho người nộp thuế đúng thời hạn mà không gia hạn thời hạn nộp thuế nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra do việc gia hạn nộp và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn cho các Nghị định trong lĩnh vực thuế cần được nhanh chóng và kịp thời hơn, hoặc xây dựng các Nghị định chi tiết, cụ thể hơn để giảm bớt các văn bản hướng dẫn, nhằm đưa sự hỗ trợ của Nhà nước kịp thời đến với DN

L.Thúy - H.Thanh
.
.
.