Khan hiếm phi công và vấn đề an toàn bay

Thứ Bảy, 22/06/2019, 08:24
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lịch bay của Hãng Vietjet air bị chậm, hủy chuyến nhiều trong những ngày qua là do phi công bay quá giờ, bị siết lại. Điều đáng nói, vấn đề phi công không phải chỉ xảy ra với riêng Hãng hàng không Vietjet, mà đang là thực trạng chung của ngành hàng không Việt Nam.


Có chuyên gia tỏ ra lo ngại, việc thiếu hụt nguồn lực hàng không dẫn đến việc phi công làm quá giờ, hãng này lôi kéo phi công của hãng kia sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng vì họ sẽ bị hủy, chậm chuyến. Nhưng quan trọng hơn cả là ảnh hưởng tới vấn đề an toàn hàng không.

Nhiều trường hợp phi công không tuân thủ đúng chế độ làm việc

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, việc thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định dẫn đến tình trạng thiếu phi công theo lịch khai thác, gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến của Vietjet vừa qua.

Trong Chương trình đánh giá tối thiểu an toàn hằng năm về việc giám sát giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) đối với Công ty CP Hàng không Vietjet, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Ngành hàng không đang thiếu nhân lực phi công.

Kết quả cụ thể, nhiều trường hợp phi công của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.

Nguyên nhân ban đầu, theo Vietjet, do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, Vietjet đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu, dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của phi công. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietjet thực hiện ngay các giải pháp nhằm thực hiện việc phân lịch bay cho phi công theo quy định về thời gian làm nhiệm vụ bay tại Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet đã tuân thủ nghiêm túc chỉ thị của Cục và thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định. Việc này dẫn đến tình trạng thiếu phi công để thực hiện các chuyến bay theo lịch khai thác và đã dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến trên các chuyến bay của Vietjet trong thời gian từ ngày 14-6.

“Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Vietjet và mở rộng phạm vi kiểm tra rà soát nhằm xác minh làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm trên” - báo cáo của Cục Hàng không cho hay.

Trên thực tế, thị trường hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá phát triển tích cực, khi liên tục giữ mức tăng trưởng 2 con số trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhân sự trong lĩnh vực này lại là vấn đề nóng thời gian qua, nhất là khi thị trường ngày càng được chia nhỏ vì có sự xuất hiện của các hãng bay khác.

Cách đây không lâu, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc VNA cũng cho biết, hiện hãng khai thác, vận hành trên 115 máy bay với hơn 20.000 người, trong đó phi công là 1.200 người, kĩ sư máy bay khoảng 2.500 người, tiếp viên hàng không 3.000 người. Ông Thành thừa nhận hãng đang thiếu hụt lao động kĩ thuật cao, khi có hãng mới gia nhập thị trường.

Trước đó, đầu năm 2019, Bamboo Airways chính thức hoạt động. Như vậy, thị trường hàng không Việt Nam gồm 5 hãng bay nội địa là Vietnam Airlines, Vietjer Air, Jestar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. Việc thiếu hụt phi công dẫn đến một "cuộc chiến tranh giành" giữa các hãng bay này.

Cách đây không lâu, Bamboo Airways đã "tố" Vietnam Airlines "chơi xấu", cạnh tranh không lành mạnh, khi gửi văn bản đóng dấu "mật" đến Bộ Giao thông Vận tải, nói hãng này giành giật phi công và đề nghị không cấp phép bay đối với Boeing 787 của Bamboo Airways. Sự việc tranh giành nhân sự trong lĩnh vực hàng không cũng làm nóng nghị trường Quốc hội tại kì họp vừa diễn ra vào đầu tháng 6.

Đào tạo không theo kịp sự phát triển “nóng”

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam nhận định, do thị trường hàng không phát triển quá nóng, đào tạo không theo kịp nên tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là phi công, đang rất nghiêm trọng.

Theo ông Châu, trong nước chỉ có Trường phi công Bay Việt đào tạo mỗi năm gần 100 phi công, nhưng để tốt nghiệp chỉ có khoảng 75-80% là đạt, con số này không đủ đáp ứng nhu cầu của các hãng. Trong khi Việt Nam có 5 hãng bay. Các hãng liên tục mua máy bay, tăng tần suất khai thác, mở đường bay mới... càng khiến tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng hơn.

“Việc hãng này lôi kéo phi công của hãng kia sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng vì họ sẽ bị hủy chuyến, chậm chuyến. Nhưng quan trọng hơn cả là ảnh hưởng tới vấn đề an toàn bay”, ông Châu nhấn mạnh. Tuy vậy, ông Trần Quang Châu cho rằng, thiếu hụt phi công có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc lập kế hoạch, định hướng, như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong khi hàng không phát triển rất nóng.

Để giải bài toán thiếu hụt phi công, ông Châu kiến nghị Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo phi công phù hợp với phát triển đội bay. Nhà nước có thể đầu tư vốn ban đầu cho một đơn vị đào tạo phi công và có quy định để các hãng hàng không góp vốn vào đào tạo. Với phương thức xã hội hóa đó, sẽ hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho từng hãng, tránh được việc lôi kéo phi công của nhau.

Trước tình trạng các hãng hàng không lôi kéo phi công của nhau, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ yêu cầu các hãng hàng không phải giải trình làm rõ nguồn nhân lực đào tạo thế nào, ở đâu. "Nếu hãng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hãng khác, đó không phải là mong muốn của bộ. Chúng tôi đang thận trọng xem xét để cho chủ trương và đảm bảo an toàn giữa hãng hàng không của quốc gia cũng như tư nhân", ông Thể nói.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT ngay trong tháng 6 phải có báo cáo tổng thể về nhân lực ngành Hàng không gửi Thủ tướng.                    

Theo thống kê, thời gian để đào tạo một phi công lái chính loại máy bay thông dụng như Airbus A320, A321, mất 3-4 năm và mất 7-8 năm mới đào tạo được phi công lái Airbus A350, Boeing 787... Theo báo cáo mới đây của Boeing, ngành hàng không thế giới sẽ cần tới 790.000 phi công mới vào năm 2037.
Đặng Nhật
.
.
.