Vietnam Airlines khẳng định:

Không để ảnh hưởng đến an toàn bay do việc phi công lãn công

Thứ Ba, 13/01/2015, 09:19
Chỉ trong vòng 5 ngày từ 30/12/2014 đến 4/1/2015, 117 lượt phi công của Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đồng loạt báo ốm. Trong số này có tới 90% nằm ở đội bay Airbus.

Hiện tượng này được Hội đồng thành viên của VNA đánh giá là bất thường, gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tâm lý của các đoàn bay khác, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đe dọa đến an ninh, an toàn khai thác. Đâu là nguyên nhân chính, vì sao có hiện tượng này, và việc này liệu có ảnh hưởng đến hoạt động bay của VNA hay không? Chiều 12/1, VNA đã tổ chức họp báo làm rõ vấn đề.

Lương phi công từ 10-12 nghìn USD/tháng vẫn bị coi là chưa phù hợp?!

Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines khẳng định, việc xin nghỉ ốm của phi công vừa qua là bất thường. Theo Tổng Giám đốc VNA, đây là hiện tượng lãn công tập thể vì từ ngày 30/12/2014 đến ngày 4/1/2015 có đến 117 lượt phi công báo nghỉ ốm nhưng chỉ có khoảng 9 phi công có chứng nhận của bác sĩ. “90% trong số này là phi công lái máy bay A320 là loại máy bay phổ biến được các hãng hàng không nội địa khác đang sử dụng” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho biết việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường cộng thêm hiện tượng hơn 30 phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc là một sự việc nghiêm trọng.

Cũng tại đây, lãnh đạo VNA thông tin: Thu nhập tiền lương của phi công A321 của một số hãng hàng không khu vực châu Á như sau: Hãng Turkish Airlines: lương cơ bản 10.300 USD/tháng, tổng thu nhập 11.969 USD; Hãng Asiana Airlines: Lương cơ bản 6.750 USD/tháng, tổng thu nhập 10.500 USD; Hãng Jestar Airlines: Lương cơ bản 11.800 USD/tháng, tổng thu nhập 12.633 USD.

Còn đối với lương phi công của Việt Nam, trong lộ trình cải cách liền lương của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đến năm 2015, sau 5 lần cải cách tiền lương của phi công Việt Nam sẽ bằng xấp xỉ 75% thu nhập của phi công nước ngoài mà Vietnam Airlines đang thuê. Cụ thể, ngày 5/1/2015, đã trao đổi với tập thể phi công người Việt của VNA, khoảng 250 phi công. Lãnh đạo toàn bộ VNA đều có mặt, nghe kỹ đề nghị, đề xuất của phi công. Chúng tôi công bố lộ trình điều chỉnh lương của 2015 chia làm 2 giai đoạn từ 1/6, nửa cuối năm sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Cụ thể, từ 2015, lương của cơ trưởng tàu bay B777 và A330 sẽ từ 163-203 triệu, cơ phó là 103 triệu đồng. Với tàu bay A321 cơ trưởng từ 143 triệu-183 triệu đồng, cơ phó là 85 triệu; Với tàu bay ATR 72 cơ trưởng có lương từ 114 triệu đồng - 153 triệu đồng, cơ phó là 70 triệu đồng…

VNA khẳng định không để ảnh hưởng đến an toàn bay do việc phi công lãn công.

Giai đoạn cuối năm, dự kiến với tàu B777, A330 lương chức danh cơ trưởng sẽ từ 177 triệu đồng - 217 triệu đồng; A321 lương cơ trưởng sẽ từ 158 triệu - 198 triệu đồng; và tàu bay ATR72 lương cơ trưởng sẽ từ 121 đến 160 triệu đồng. Trong tổng thu nhập này có tiền phụ cấp lưu trú của người bay ở nước ngoài, không tính vào thu nhập chịu thuế. Theo lãnh đạo VNA, các đợt cải cách tiền lương nằm trong lộ trình cam kết với người lao động và lãnh đạo tổng công ty.

Qua các năm, thu nhập bình quân của người lao động trong toàn tổng công ty đều có tăng trưởng, nhưng tăng trưởng không tương ứng. Phi công đều điều chỉnh ở mức 2 con số/năm còn người lao động khác không được. Thu nhập bình quân người lao động còn lại của VNA cả năm bình quân 2014 là xấp xỉ 12 triệu/đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức lương này chưa đủ để giữ chân lao động tại Vietnam Airlines. Do chê lương thấp, nhiều phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc.

Luôn có phương án dự phòng để không ảnh hưởng đến hoạt động an toàn bay

Trước câu hỏi hơn 100 phi công lãn công cùng lúc liệu có ảnh hưởng đến hoạt động khai thác? Hay như việc cứ mỗi lần phi công có yêu cầu đòi tăng lương thì công ty lại đáp ứng liệu sau này có ảnh hưởng đến quỹ tiền lương của Tổng Công ty cũng như lương của các thành viên khác? Ông Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh cũng thẳng thắn: Trong quá trình phân phối tiền lương, tổng công ty vẫn phân phối theo quy định của nhà nước.

Trong năm chỉ chi 80%. Cuối năm thì phụ thuộc kết quả sản xuất kinh doanh. Có năm tiền lương chia được đến 14 – 15 thậm chí 16 tháng. Tổng hợp lại, thu nhập của phi công khá cao. Nguyên tắc của chúng tôi có cộng dồn các khoản lại là để cho rõ. Và là cộng tới chứ không bằng ngang. Nguyên tắc cải cách cũng không có chuyện người này tăng mà người khác giảm.

Ngoài ra, với việc phi công xin nghỉ việc, trong hợp đồng lao động có chuyện bồi hoàn chi phí. Ngay bây giờ chúng tôi mà nêu vấn đề này sẽ có tranh luận lớn. Chi phí đào tạo cơ bản thì có thể đếm được. Chi phí để đào tạo cho học viên đó trở thành cơ trưởng chuyến bay có chi phí không tính được... Chúng tôi không có chủ trương cứ thị trường hay đối thủ nào đó nêu ra một giá thì mình chạy theo. Chúng tôi nói rõ với tập thể lãnh đạo phi công của đoàn bay 919, chúng tôi điều chỉnh lương theo lộ trình. 600 lao động là phi công được điều chỉnh đồng loạt. Ngoài 600 người này, hơn 9.000 lao động còn lại chúng tôi cũng rất quant âm. Bên cạnh quyền lợi, lực lượng phi công của chúng ta cũng phải quan tâm dưới góc độ thành viên gia đình, dưới góc độ đảng viên. Chúng ta đang đưa mặt bằng thu nhập phi công tiệm cận thị trường

Còn việc có ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay hay không, chúng tôi khẳng định rằng đã chuẩn bị lực lượng đảm bảo nghiêm ngặt quy chuẩn an toàn an ninh. VNA theo chuẩn an toàn quốc tế, bao giờ cũng có dự bị từ máy bay cơ số kỹ thuật vật tư phụ tùng cho đến con người…

VNA báo cáo Bộ GTVT để dừng hiện tượng bất thường này

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết: Việc một hãng hàng không quốc gia lâm vào tình trạng như thế này không phải là không có tiền lệ. Trên thế giới nhiều hãng lớn đã gặp phải. Trong nhiều trường hợp, chính phủ các nước đều can thiệp. Do đó, đây là việc chúng tôi có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước nhằm mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính yếu của VNA. Chúng tôi báo cáo để cơ quan quản lý Nhà nước có chỉ đạo để dừng hiện tượng bất thường này. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phải có chỉ thị yêu cầu Vietnam Airlines rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietnam Airlines thực hiện các chế độ đãi ngộ khác để giữ chân lao động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng Công ty. Thời hạn hoàn thành là trong quý I năm nay.

Thanh Huyền
.
.
.