Họp báo chính thức sau khi kết thúc đàm phán TPP
- Kết thúc đàm phán TPP: Bắt đầu cuộc chiến mới
- Kết thúc vòng đàm phán TPP: Bế tắc vào phút 89
- Trưởng ban Kinh tế TW làm việc với Đoàn đàm phán TPP
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bắt đầu buổi trao đổi thông tin bằng việc giới thiệu lần lượt từng người của đoàn đàm phán TPP, những người đã đóng góp cho kết quả tạm cho là thành công của đàm phán. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biết sẽ cung cấp tối đa thông tin có thể, ngoài chuyện “hậu trường” vốn được chờ đón và các nội dung cụ thể của đàm phán, vì theo cam kết, không có nước nào được phép tiết lộ các thông tin này cho đến khi toàn văn Hiệp định chính thức được công bố.
TPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng. |
Ông Trần Quốc Khánh cho biết, mục đích của TPP là tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư; và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu thứ hai là đi đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Do khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia. Cuối cùng, các nước chưa có quan hệ FTA với Mỹ như Nhật Bản, New Zealand, Malaysia và Việt Nam đều mong muốn thông qua TPP để thiết lập FTA với Mỹ và tiếp cận thị trường này.
Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã tính toán kỹ giữa thuận lợi và không thuận lợi, cơ hội và thách thức, năng lực trong nước và quốc tế trong đàm phán để đảm bảo nếu ký kết sẽ đem lại lợi ích quốc gia cao nhất, tạo cơ hội mới cho phát triển KT-XH, nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Khánh cho biết Việt Nam đã kiên trì đàm phán để bảo đảm các lợi ích cốt lõi và chúng ta là “nước giành được nhiều linh hoạt nhất trong thực thi các cam kết khó trong TPP”. Dù nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0 với tất cả các dòng thuế, các dòng nhạy cảm nhất có thể áp dụng hạn ngạch hoặc hình thức giảm thuế đáng kể.
Đối với dệt may, ngành thế mạnh hàng đầu của Việt Nam khi tham gia TPP, dù phải đáp ứng nguyên tắc “từ sợi trở đi” mới được hưởng ưu đãi thuế, Thứ trưởng Khánh cũng cho biết TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt” là các loại sợi, vải, nguyên phụ liệu không có trong khối TPP, thêm vào đó cũng có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào nguyên tắc xuất xứ.
Về ngành được dự đoán là sẽ gặp bất lợi nhất trong cạnh tranh là chăn nuôi, đây là lần đầu tiên Việt Nam ký kết một Hiệp định đòi hỏi tương đối cao và cân đối đến việc xoá thuế, nhưng ông Khánh khẳng định ngành chăn nuôi còn ít nhất 10 năm kể từ năm nay để chuẩn bị ứng phó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: “Tốc độ gia tăng nhập siêu sẽ cao hơn” |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định Việt Nam không phải xoá bỏ hoàn toàn trợ cấp đối với doanh nghiệp Nhà nước, miễn là không ảnh hưởng quá mức đến thương mại và đầu tư của các nước TPP với nhau.
Đặc biệt, chỉ những DN Nhà nước sở hữu trên 50% vốn và 3 năm liên tiếp đạt một ngưỡng doanh thu nhất định mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định và Việt Nam cũng bảo lưu loại trừ tất cả các DN hoạt động liên quan đến quốc phòng - an ninh. Việt Nam cũng bảo lưu quyền áp thuế đối với dầu thô và than đá - là 2 nguồn thu ngân sách quan trọng.
Về mua sắm Chính phủ, các nước TPP đưa ra nguyên tắc sẽ đấu thầu công khai, tuy nhiên không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh-quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định. TPP cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương.
Đánh giá tác động của TPP, về mặt kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Ngoài trả lời những câu hỏi của PV liên quan đến Hiệp định, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết Bộ Công Thương đang cố gắng hoàn thành dịch thuật và công bố toàn văn Hiệp định trong nửa dầu tháng 10 này, kèm theo tài liệu giải thích các khái niệm.
Về các thủ tục sau khi kết thúc đàm phán, liệu Hiệp định có mất hiệu lực nếu Quốc hội một trong 12 nước không thông qua, ông Khánh cho biết Hiệp định cũng có điều khoản về việc này, phải có một số nước nhất định với tỷ lệ GDP nhất định thông qua, Hiệp định mới có hiệu lực. Tuy nhiên, chi tiết chưa được công bố. Nếu mọi việc suôn sẻ và Quốc hội các nước đều thông qua, dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: “Tốc độ gia tăng nhập siêu sẽ cao hơn” Trả lời câu hỏi của PV Báo Công an nhân dân về việc TPP liệu có tác động tiêu cực đến nhập siêu và tốc độ tăng nhập khẩu thực tế có cao hơn xuất khẩu, ông Trương Đình Tuyển cho rằng trong các năm đầu có thể tốc độ gia tăng nhập siêu sẽ cao hơn, bởi thu hút đầu tư sẽ kéo theo nhập khẩu trang thiết bị. Tuy nhiên, điều đó không phải là tiêu cực.Ông Trương Đình Tuyển khẳng định cơ hội với TPP là có thật, vấn đề là tận dụng nó, bởi cơ hội không tự thân nó biến thành lợi ích, mà phải có sự tham gia của các chủ thể là các doanh nghiệp, là Chính phủ, là phản ứng chính sách của Việt Nam trong quá trình này. Dù vướng nguyên tắc xuất xứ nhưng TPP cũng có những điều khoản linh hoạt giúp ngành dệt may có thể hưởng lợi về thuế ngay khi có hiệu lực. |