Hơn 300 doanh nghiệp “khai tử” mỗi ngày

Thứ Tư, 31/10/2018, 09:13
Với 91.711 doanh nghiệp (DN) ngừng kinh doanh trong 10 tháng, như vậy tính chung mỗi ngày trôi qua, lại thêm 300 DN rời thị trường với hình thức tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN hoàn tất thủ tục giải thể… Nếu với tốc độ này, mục tiêu phát triển DN chắc chắn còn nhiều khó khăn.


Doanh nghiệp ngừng hoạt động tương đương số thành lập mới

Theo số liệu mới công bố từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10 năm 2018, cả nước có 13.000 DN được thành lập mới, luỹ kế 10 tháng năm 2018, cả nước có 109.611 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 9,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy nhiên, đáng chú ý là tổng số lượng DN đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn, DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng năm 2018 tăng cao đáng kể so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2014-2018; trong đó, tăng mạnh nhất là số lượng DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. 

Cụ thể, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 24.467 DN, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2017. Có 53.937 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 37.722 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 16.215 DN chờ giải thể. 

Khó tiếp cận vốn và lãi suất cao là một trong những khó khăn của DN.

Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng năm 2018 của cả nước là 13.307 DN, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng năm 2018 của cả nước là 91.711 DN.

Như vậy, 10 tháng qua, cứ 1 DN được thành lập mới thì có xấp xỉ 1 DN chuẩn bị hoặc đã rời bỏ thị trường. Với thực tế “ổn định về số lượng” như tốc độ hiện nay, liệu mục tiêu đạt một triệu DN vào năm 2020 có thành hiện thực?

Doanh nghiệp vẫn phải đi “cửa ngách”

Con số trên cho thấy, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng rõ ràng việc thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN rõ ràng chưa mang lại hiệu ích tích cực. Hiện nay, mới có hơn 500 nghìn DN hoạt động trên thực tế, cách rất xa mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020. 

Đi tìm lý do chính, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đầu tiên là môi trường kinh doanh chưa thực sự cải thiện như mong muốn của DN. “Tôi đã có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều DN ở rất nhiều nơi, họ đều có chung chia sẻ là môi trường kinh doanh dù có cải cách nhưng chưa cải thiện được bao nhiêu. Ví dụ như quy trình 1 cửa, nghe có vẻ hay nhưng để đến được 1 cửa, DN đã phải đi gõ nhiều “cửa ngách” trước đó, vẫn bị phiền hà, nhũng nhiễu. Bởi vậy, dù nỗ lực đổi mới nhưng vẫn còn trên nóng dưới lạnh”, bà Lan thông tin. 

Theo bà Lan, chi phí, thời gian và công sức của DN nội địa Việt Nam bỏ ra để kinh doanh bị lãng phí và mất mát quá nhiều, do đó nó tạo nên rủi ro, tạo cho DN quá nhiều rào cản. Trong khi chúng ta cứ nói đến việc tạo ra những công cụ mới, cải cách mới thì những cái cũ, tệ hại hơn chưa được gỡ bỏ. 

Bà Lan cho rằng, DN đang phải lo đối phó với các rủi ro chính sách thì khó có thể dồn công sức để lo cạnh tranh, hội nhập và chuẩn bị cho cách mạng 4.0. Chính vì thế, cách mạng 4.0 có cơ hội nhưng chúng ta có nắm được không mới là điều quan trọng. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ nhà nước, nghe thì hay nhưng khá khó khăn tiếp cận. Ví dụ giá vốn vẫn cao và khó tiếp cận? Ngoài ra, DN cũng rất cần cải thiện kỹ năng và lao động để tạo nên động lực cho mình. Hiện DN rất lo về hội nhập bởi về hội nhập chúng ta thành công với nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA), nhưng khi cải cách trong nước chậm hơn thì sự khập khiễng này không tạo ra cơ hội mà còn đẩy nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức.

Cùng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DN Việt sẽ đối mặt với nhiều thách thức ở thời cách mạng 4.0. Ông Doanh dẫn ví dụ về dệt may, dù là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn song Việt Nam chủ yếu gia công, dùng công nhân, trong khi đó, nhiều nước sản xuất dệt may đã sử dụng máy móc, rô bốt thay thế cắt, may. 

Theo TS Doanh, hiện DN Việt vẫn yếu và đang chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là khi nền kinh tế mở cửa và hội nhập cao trong khi công nghệ thay đổi hằng ngày, nếu DN Việt không đầu tư vào khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao thì rất khó khăn và có thể bị thui chột.

Lệ Thúy
.
.
.