Hơn 30 ngày giữa làn sóng COVID-19 thứ 4 và ánh sáng đẩy lùi đại dịch

Thứ Bảy, 29/05/2021, 21:31
25/5/2021 có lẽ là ngày mà suốt 15 tháng đương đầu với đại dịch COVID-19, người Việt Nam sẽ khó quên. Lần đầu tiên cả nước trong 1 ngày có 444 bệnh nhân COVID, cũng là ngày Quỹ vaccine COVID-19 được cộng thêm nguồn kinh phí tương đương hơn 400 tỷ đồng, sẵn sàng cho chiến lược vaccine của Chính phủ.

Ở bất cứ thời điểm nào từ khi đại dịch bùng phát cũng có sự gánh vác, chia sẻ trách nhiệm chống dịch bằng cả sức người sức của của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Bắt đầu từ xây bệnh viện dã chiến, mua sinh phẩm y tế, kit xét nghiệm và bây giờ là vaccine…

30 ngày và những con số

Sau gần 3 tháng yên ắng, làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát và nhanh chóng lay lan ra 30 tỉnh thành với diễn biến nhanh chưa từng có. So với ba lần bùng phát dịch trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đợt dịch lần thứ 4 này có diễn biến phức tạp hơn, khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước. Dịch xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch cùng thời điểm, xuất hiện nhiều biến chủng mới, với khả năng lây nhanh, rộng hơn, mạnh hơn. Đó là lý do số ca nhiễm mới liên tục tăng, xâm nhập vào khu công nghiệp, bệnh viện.

Tính từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên vào 27/4 đến hết ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 6.396 bệnh nhân COVID-19 tại 30 tỉnh, thành cả nước. Đáng chú ý, từ ngày 14/5 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 trong ngày đều vượt ba con số, dao động từ 104-187 ca nhiễm mỗi ngày.

Cá biệt trong ngày 25/5, lần đầu tiên số ca nhiễm lên mức kỷ lục với 444 bệnh nhân, gấp 2,5 lần so với ngày có số bệnh nhân cao nhất gần đây. Con số ca nhiễm rải khắp 10 tỉnh thành.

“Điểm nóng” COVID-19 lớn nhất cả nước hiện nay là tỉnh Bắc Giang. Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại tỉnh này vào ngày 8/5 và sau 19 ngày, số bệnh nhân tại Bắc Giang đã lên đến 1522 người.

Số ca nhiễm COVID-19 mới tại tỉnh Bắc Giang liên tiếp tăng theo cấp số nhân trong vài ngày qua. Cá biệt trong ngày 25/5, tỉnh này ghi nhận đến 375 bệnh nhân. Đáng chú ý, hầu hết ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Giang đều liên quan công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh buộc phải tạm dừng hoạt động cả 4 khu công nghiệp để cách ly, phòng chống dịch từ ngày 19/5.

Cùng lúc ngành y tế dồn lực cùng Bắc Giang dập dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 tại các khu công nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung, nguy cơ dịch bùng phát tại khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp hiện nay là rất lớn.

Ánh sáng đẩy lùi đại dịch: Chiến lược vaccine

Dù dịch diễn biến phức tạp, nhưng tâm thế chống dịch ở làn sóng COVID-19 thứ 4 này khác trước. Đó là vaccine phòng dịch đã có, và Việt Nam cũng bắt tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch từ ngày 8/3. Công cụ hữu hiệu nhất để đẩy lùi COVID-19 lúc này không gì khác, chính là vaccine.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ quyết tâm đẩy lùi đợt dịch này, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế-xã hội. Để đẩy lùi dịch bệnh phải thực hiện cho bằng được Chiến lược vaccine. Thủ tướng khẳng định Chính phủ tập trung chỉ đạo; các bộ, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được, với phương châm quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine, bảo đảm công khai, minh bạch; huy động mọi nguồn lực đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phải triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine.

Tuần trước, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt thành lập Quỹ vaccine COVID-19. Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến để tiêm đủ cho 75 triệu người dân (tương đương khoảng 75% dân số Việt Nam), lượng vaccine phải mua lên đến 150 triệu liều với tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng. Ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp khoảng 9.200 tỷ đồng.

Ngay khi Quỹ vaccine COVID-19 được đề xuất, các doanh nghiệp đã tiên phong đóng góp kinh phí, với mục tiêu nhanh nhất có thể để tất cả người dân trong nước được sớm tiếp cận vaccine.

Ngày 25/5, Bộ Y tế đã tiếp nhận 125 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đóng góp cho Quỹ vaccine.

Tập đoàn Novaland ủng hộ 10 tỷ đồng cho quỹ vaccine phòng, chống dịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với ngân sách hơn 60 tỷ đồng, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Novaland liên tiếp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong công cuộc phòng, chống đại dich như trao 10 tỷ đồng tài trợ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng hành mua vắc xin phòng ngừa COVID-19 với khoản kinh phí 11 tỷ đồng nhằm chung tay với cộng đồng cũng như chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước. Tập đoàn còn trao tặng trực tiếp đến Bệnh viện Nhân dân 115 các trang thiết bị Y tế chuyên dụng, cấp thiết, công nghệ cao. Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland - đơn vị khởi xướng cùng nhiều doanh nghiệp cũng đã tổ chức chương trình “Kết nối cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh” nhằm chung tay đóng góp và trao tặng quà đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành trên cả nước. Sắp tới, Novaland tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng trong công tác ủng hộ mua vắc xin phòng ngừa COVID-19 với nguồn kinh phí lên đến 20 tỷ đồng.

Tập đoàn Novaland tích cực tham gia đồng hành trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Việc thành lập Quỹ vaccine theo hướng xã hội hóa được đánh giá là chiến lược rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Đặc biệt, giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân, kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

PV
.
.
.