Hóa đơn điện tử: Rút ngắn thủ tục cho doanh nghiệp

Thứ Bảy, 20/10/2018, 08:49
“Triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ giúp rút ngắn thủ tục lập hóa đơn cho doanh nghiệp, từ 5 thủ tục xuống còn 1 thủ tục”- đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về các quy định hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, do Tổng cục Thuế tổ chức chiều 19-10.


Doanh thu trên 3 tỷ phải sử dụng HĐĐT

Theo quy định, Nghị định số 119 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-11-2018. Tuy nhiên để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, Nghị định số 119 có quy định thời hạn 24 tháng (từ ngày 1-11-2018 đến ngày 1-11-2020) để các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng HĐĐT.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành HĐĐT  không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế trước ngày 1-11-2018 thì được tiếp tục sử dụng HĐĐT đang sử dụng kể từ ngày 1-11-2018. 

Doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển đổi sang HĐĐT.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1-11-2018 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31-10-2020 và vẫn phải thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: Nghị định 51/2010/NĐ-CPvà Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong thời gian từ ngày 1-11-2018 đến ngày 31-10-2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT có mã nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy theo các hình thức đặt in, tự in thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT. Đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng phiếu thu tiền và chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT (hoặc phiếu thu tiền điện tử) theo lộ trình của Bộ Tài chính.

Nghị định số 119 quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định.

Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018. 

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp HĐĐT.

2 triệu hộ kinh doanh nhỏ không bị xáo trộn

Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh việc sử dụng HĐĐT, bởi liên quan đến mạng internet rất dễ phát sinh hacker, như vậy liệu có mất đi dữ liệu? Đại diện Cục Tin học, Tổng cục Thuế cho biết: Hóa đơn từ máy tính tiền không được lâu, chỉ vài ngày là mờ, quan trọng nhất trong quản lý hóa đơn là dữ liệu trong máy tính tiền, và khi đưa nội dung chuyển dữ liệu với cơ quan thuế phải có lộ trình thực hiện. Nghị định 119 có hiệu lực sau 45 ngày ký và có lộ trình 2 năm để thực hiện.

Một băn khoăn khác, đó là liệu triển khai đại trà HĐĐT, những hộ kinh doanh nhỏ có bắt buộc phải trở thành đối tượng áp dụng? Phó Vụ trưởng Vụ thuế Thu nhập cá nhân Tạ Phương Lan chia sẻ, Nghị định 119 quản lý khác biệt hộ lớn nhỏ, khác với các quy định trước nay là đồng đều khoán. 

“Với nhóm hộ nhỏ, ngành thuế không nhắm vào đó thực hiện HĐĐT nên không gây xáo trộn cho 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ. Còn nhóm hộ kinh doanh lớn chiếm tỷ lệ khoảng 7%-10% trong 1,7 triệu hộ kinh doanh, Nghị định 119 tập trung vào các nhóm hộ lớn. Cơ quan quản lý khuyến khích hộ cá nhân kinh doanh lên doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.

5 trường hợp được cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không thu tiền gồm:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nêu tại gạch đầu dòng nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp;

- Hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

- Các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính quyết định.

Đối với các trường hợp trên, Tổng cục Thuế trực tiếp cung cấp dịch vụ hoặc ủy thác cho tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí.

Lệ Thúy
.
.
.