Giảm lãi suất cho vay về 5%/năm: Nhiệm vụ khó khăn

Thứ Tư, 24/08/2016, 09:08
Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành Ngân hàng, trong đó có nội dung đáng chú ý là sẽ kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm.



5%/năm được cho là cực kỳ lý tưởng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là với nhiều doanh nghiệp Việt đang sử dụng tới 90% vốn từ vay ngân hàng. Tuy nhiên, liệu mục tiêu này có khả thi không lại là vấn đề, khi mà nhiều ngân hàng vẫn đang trong xu thế tăng lãi suất huy động- lên tới 8%/năm các kỳ dài hạn.

Mục tiêu giảm lãi suất về 5% để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuộc họp báo diễn ra mới đây cũng đã cho biết trong kế hoạch của mình, NHNN “cố gắng giữ mặt bằng lãi suất” để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Ngay từ đầu năm 2016, rất nhiều chuyên gia kinh tế và ngay cả bản thân NHNN cũng xác định năm 2016, khi cầu trong nước tăng trở lại, GDP tăng trở lại, thì việc điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ khó khăn và thách thức. Trong  6 tháng đầu năm, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Với diễn biến kinh tế như vậy, NHNN cũng thấy rằng, việc điều hành lãi suất ổn định là khó khăn, song tăng trưởng kinh tế quý I đã chậm lại so với dự kiến và mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong khi Chính phủ tiếp tục chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Với điều kiện đó, NHNN đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, xác định đầu tiên là ổn định mặt bằng lãi suất huy động”, bà Nguyễn Thị Hồng,  Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Những giải pháp mà NHNN đã thực hiện, bà Hồng cho biết: thứ nhất, trong điều hành hằng ngày, với vai trò điều tiết thanh khoản trong hệ thống, NHNN đã theo sát diễn biến thị trường, điều tiết lượng tiền bơm ra hút vào, đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý, lãi suất hợp lý. Điều khiển thanh khoản dư thừa hợp lý giúp ngăn chặn việc ngân hàng quay ra huy động lãi suất trên thị trường. Vì ngân hàng thiếu vốn có thể vay trên liên ngân hàng, khi liên ngân hàng dồi dào, lãi suất phù hợp, thì sẽ không nâng lãi suất huy động.

Thứ hai, một số tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất những tháng đầu năm, một phần do tác động tâm lý. Xuất phát từ thực tiễn cũng như trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, NHNN đã ban hành sửa đổi Thông tư 36 với lộ trình phù hợp hơn, giúp giải tỏa tâm lý, áp lực về lãi suất trong thời gian qua.

Theo số liệu của các TCTD, từ đầu tháng 4, một số TCTD lại có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Cho nên, tính chung có thời điểm các TCTD tăng lãi suất huy động, nhưng cũng có thời điểm giảm lãi suất, nhìn chung mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định. Từ nay đến cuối năm, NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo các chỉ tiêu định hướng, sử dụng các giải pháp để ổn định thị trường.

“Thống  đốc NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo TCTD tiết kiệm, tiết giảm chi phí, sử dụng các nguồn vốn phấn đấu giảm lãi cho vay. Trên thực tế một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực”- bà Hồng cho biết.

Ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp có 5 cơ sở để thực hiện được.

Thứ nhất, thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Thứ hai, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất. Thứ ba, lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%). Thứ tư, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định. Dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%). Thứ năm, lợi nhuận 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giảm lãi suất xuống 5% không hề dễ dàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để đạt được mục tiêu này rất khó vì lúc đó, lãi suất huy động tương ứng sẽ chỉ còn ở mức 2-3%.

Ông Hiếu cho rằng để đưa lãi suất cho vay về mức 5%, trước tiên phải kiểm soát được lạm phát quanh mức 2% mỗi năm, đồng thời giá trị của đồng tiền được đảm bảo, các thị trường cũng phải được giữ ổn định, như vấn đề tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… NHNN phải ổn định được hệ thống tài chính, với trục hoạt động lành mạnh, an toàn bền vững của các TCTD. Yêu cầu này gắn với việc xử lý được triệt để nợ xấu, sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong hệ thống.

Song song với đó là việc đó tập trung xử lý triệt để các ngân hàng thương mại yếu kém trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng- nhiệm vụ trọng tâm vì việc này sẽ tạo niềm tin cho người gửi tiền vào nhà băng.  Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò cũng như nâng hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi để người dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng…

Lệ Thúy
.
.
.