Hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết tranh chấp qua trọng tài
Ngày 16-8, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp” tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị xuất khẩu
- Hà Nội miễn phí thành lập doanh nghiệp mới
- Đà Nẵng xử phạt 17 doanh nghiệp vi phạm về môi trường
Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 250 đại biểu là các đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp và luật sư, chuyên gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VIAC luôn nỗ lực để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề bằng phương thức văn minh và tích cực nhất.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, VIAC cũng luôn chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định 22/2017/NĐ-CP; chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22/2017/NĐ-CP và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải.
Bà Phạm Thị Thu Huyền - Chuyên gia cao cấp ngành tài chính phụ trách Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới cho hay, việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải hiện nay được các doanh nhân trên thế giới ưa chuộng và IFC rất vui mừng, trong khuôn khổ hợp tác với VIAC, đã thành lập thành công Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và hy vọng vào sự phát triển của VMC trong tương lai gần.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã lý giải rằng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và trọng tài nhận được sự ủng hộ lớn từ phía nhà nước cũng như các doanh nghiệp trên thế giới là bởi các ưu điểm như tính nhanh chóng, tính bí mật, tính thân thiện với các bên tranh chấp và đặc biệt là khả năng thi hành hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, ngoài việc đáp ứng các đòi hỏi về việc giải quyết tranh chấp đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra Hoà giải thương mại ngoài toà án còn góp phần tích cực trong việc giảm tải các vụ việc tại các cơ quan Toà án và Trọng tài góp phần cho ổn định trật tự môi trường kinh doanh quốc gia.
Mở đường cho hướng phát triển hòa giải này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã giành một chương XXXIII từ điều 416 đến 419 qui định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Thỏa thuận hòa giải thành ngoài tòa án được công nhận có hiệu lực thi hành như quyết định, bản án của Tòa án điều 419 khoản 9: “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự”.