Nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị xuất khẩu

Thứ Tư, 08/08/2018, 21:03
Ngày 8-8 tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu ( Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam đã tăng mạnh về quy mô, năng lực sản xuất hàng XK không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. 

Theo ông Hải, đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch duy trì ở mức cao. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động XK của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. 

Để hướng tới xuất khẩu bền vững, cần có nhiều giải pháp trọng tâm như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nông sản và đây cũng là một trong những nhóm hàng XK chủ lực. Thực tế, đã có nhiều sản phẩm XK thành công ra nước ngoài, đến được các thị trường khó tính, chiếm vị trí Top đầu XK. Tuy nhiên, tỷ lệ các sản phẩm xuất thô, mang lại giá trị gia tăng thấp chiếm đa số. Các sản phẩm sau chế biến, có thương hiệu, mang lại giá trị gia tăng cao chưa nhiều. 

Tỷ lệ DN tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ này tạo nên một bức tranh tổng thể không mấy tích cực đối với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước yếu. Hiện chỉ 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp trọng tâm như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu; Đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; Tăng cường và đổi mới thông tin thị trường; Cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu...

Để hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia khẳng định, cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa XK. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu DN vào cuộc.




Lưu Hiệp
.
.
.