Giá trị thương hiệu Việt “vào tay” doanh nghiệp FDI
- Khơi dậy lòng tự hào dân tộc bằng chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt
- Những bước thần tốc đưa ô tô thương hiệu Việt ra thế giới
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Sản phẩm của DN Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm ngoại. Vì vậy, DN cần quan tâm nhất hiện nay chính là xây dựng và phát triển thương hiệu. Nếu không có thương hiệu, sản phẩm sẽ đứng trước nguy cơ rời khỏi “cuộc chơi”...
Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay, bà Bùi Hoàng Yến, Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, về cơ hội thì trong năm 2019 dự kiến tiếp tục sẽ có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam... Còn thách thức thì cũng không ít. Đó là xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại để xây dựng thương hiệu mạnh. |
Nhiều quốc gia áp đặt các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp. Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc như Trung Quốc...
Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, khi Việt Nam đã vào “sân chơi” chung thì cần phải quan tâm đến SHTT. Bởi SHTT là tài sản vô hình, chiếm 84% thậm chí là 97% thay vì chỉ vài chục % như trước đây. Việt Nam đã hội nhập thì “hàng rào” SHTT ngày càng cao kể cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nên việc DN nâng cao nhận thức về SHTT không chỉ để tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái xảy ra rất nhiều trong thời gian qua, mà còn tích hợp để phát triển nhanh, phát triển bền vững.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thương hiệu là sống còn của DN, mất thương hiệu là mất thị trường, mất khách hàng. Bài học kinh nghiệm từ Khaisilk, Asanzo và mới đây nhất là DN Việt tại Big C. Chính vì vậy, DN phải xây dựng cho được thương hiệu. Bởi khách hàng trong và ngoài nước đều rất quan trọng thương hiệu sản phẩm. Không có tên tuổi, không thương hiệu, người tiêu dùng không biết sản phẩm như thế nào. Thương hiệu tạo ấn tượng, niềm tin đối với khách hàng.
“Việt Nam có không ít nông lâm, thủy sản,… xuất khẩu tiểu ngạch, chưa có thương hiệu, giá thấp. Như vải, thanh long... được nước nhập khẩu tiểu ngạch đóng gói lại, tái xuất dưới thương hiệu của họ. Tỷ lệ hàng may mặc, da giày của Việt Nam gia công cho công ty nước ngoài không có thương hiệu còn khá cao. 72% xuất khẩu của Việt Nam do DN FDI đóng góp với thương hiệu của họ, trong khi tỷ lệ xuất khẩu của DN Việt Nam có thương hiệu Việt còn thấp. Đây là điều đáng suy nghĩ”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ về thực trạng hiện nay của DN Việt.
TS. Lê Đăng Doanh cũng thông tin, trong năm 2018 Việt Nam có 97 sản phẩm, dịch vụ được công nhận đạt thương hiệu quốc gia. Còn theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới năm 2018 được tổ chức Brand Finace công bố thì thương hiệu của Việt Nam được định giá 235 tỷ USD, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Thế nhưng, trong đó có đến 47% giá trị thương hiệu lại đến từ khu vực DN FDI. Vì vậy, việc định giá như trên đừng vội vui mừng vì giá trị thương hiệu Việt có đến 47% rơi vào tay của DN FDI. Đừng nghĩ thương hiệu của FDI mãi mãi là của Việt Nam.
Như Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam, nhưng không thể nói điện thoại Samsung là của Việt Nam. Phải nghĩ đến chuyện Nhà máy Samsung không đặt mãi tại Việt Nam, mà có thể sẽ dịch chuyển sang nước khác. Vì vậy, DN Việt Nam cần tăng cường, phát huy hơn nữa để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu của DN Việt, chứ không ỷ lại DN FDI.
Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, tuổi thọ của một sản phẩm ngắn hơn trước rất nhiều. Trung bình cứ khoảng 6 tháng lại xuất hiện một mô hình điện thoại di động mới với tính năng vượt trội. Những sản phẩm nào không theo kịp thì sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn, buộc DN phải năng động, sáng tạo và đổi mới. DN phải đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mình tại thị trường xuất khẩu, tránh nạn hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, hiện nay kinh tế hộ gia đình đang chiếm tỷ lệ khá lớn, đến 32% GDP nhưng khu vực kinh tế này chưa đăng ký thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế thấp. Vì vậy, cần hỗ trợ đối tượng này xây dựng thương hiệu là yêu cầu cơ bản nhất.
Để làm việc này thì hộ kinh doanh gia đình cần liên kết lại với nhau, tái cơ cấu sản xuất, chuyển sang sản xuất lớn trong nông nghiệp, thủy sản để đạt chất lượng ổn định, đăng ký thương hiệu, xuất xứ, chất lượng VSATTP.
Trong nền kinh tế số, các thương hiệu cần xuất hiện là thương hiệu số hóa trong các giao dịch. DN Việt cần có nhiều thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc gia để cạnh tranh trên thị trường.