Dòng vốn Agribank và những vườn cà phê tràn đầy sức sống

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:39
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên. Vòng đời của cây cà phê thường kéo dài từ 20-30 năm, sau khoảng thời gian đó, cây cà phê cần được tái canh (trồng mới) để đảm bảo chất lượng và sản lượng.

Agribank là ngân hàng chủ lực thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cây cà phê, giúp cải tạo những vườn cà phê già cỗi năng suất thấp thành những vườn cà phê tràn đầy nhựa sống, năng suất cao, chất lượng tốt.

Đến với Tây Nguyên vào những ngày đầu mùa khô, chúng tôi đến với những vườn cà phê xanh hút tầm mắt trong nắng gió mênh mang của núi rừng. Sức sống dạt dào từ những vườn cà phê đã cho chúng tôi thấy tái canh cây cà phê là một chủ trương đúng đắn…

Công ty TNHHMTV Cà phê 52 có trụ sở tại thôn 9, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập từ năm 1982, có lực lượng lao động hùng hậu với 483 lao động, 20 cán bộ quản lý trong đó có những cán bộ kỹ thuật là thạc sỹ về nông nghiệp trồng trọt, hiện công ty có hơn 320ha cây cà phê, 174ha điều, 36ha ca cao.

Ông Nguyễn Công Trị - Giám đốc Công ty Cà phê 52 chia sẻ: “Nguồn vốn Ngân hàng nông nghiệp đã góp phần quan trọng để công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm là nuôi trồng và tái canh cây cà phê. Trong năm 2016 công ty đã hoàn thành tái canh hơn 210ha cà phê, năm 2017 tái canh được hơn 105ha cà phê, đến nay diện tích cà phê trên đang trong giai đoạn “đẹp như mơ” và sai trĩu quả. Số cà phê trồng mới trong năm 2018 với diện tích 30ha cũng đang lên xanh tốt. Hiện tại dư nợ của công ty tại Agribank là hơn 18 tỷ đồng…”.

Những vườn cà phê xanh mướt đầy sức sống trên Tây Nguyên.

Việc tái canh cây cà phê sẽ khiến tổng doanh thu của công ty bị ảnh hưởng bởi tính từ khi cải tạo đất cho tới khi thu hoạch trái cà phê đầu tiên phải mất tới 2-3 năm. Trong khoảng thời gian đó nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ở Đắk Lắk, không chỉ riêng công ty Cà phê 52 đã thành công với dự án tái canh cây cà phê từ nguồn vốn Agribank, mà còn nhiều công ty khác như: công ty Cà phê 719, công ty Cà phê 720…

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê với mong muốn có một vườn cà phê giầu sức sống, năng suất cao.  Đến với vườn cà phê xanh mướt của gia đình ông Giang Văn Sử, thôn 7, xã Ea Kar, Đắk Lắk - một trong những hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn Agribank để tái canh cây cà phê, chúng tôi một lần nữa được hiểu thêm về những đóng góp quan trọng của Agribank đối với cuộc sống ấm no của người dân.

Ông Hiển khẳng định: “Từ đồng vốn Agribank tôi đã tái canh được gần 1ha cà phê, ngân hàng cho gia đình vay số tiền 150 triệu với lãi suất ưu đãi là đủ để gia đình thực hiện tái canh cà phê trên diện tích này. Vườn cà phê của gia đình được trồng từ tháng 6-2017 và đến nay đã lên xanh tốt chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên…”.

Với sứ mệnh gắn bó với tam nông, Agribank đã và đang nỗ lực hết mình để đem nguồn vốn đến cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao đời sống. Agribank là đơn vị tiên phong và tích cực vào cuộc giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện thành công việc tái canh cây cà phê.

Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đắk Lắk khẳng định: “Agribank luôn sẵn sàng nguồn vốn ưu tiên cho các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và tái canh cây cà phê nói riêng. Ngân hàng đang rất nỗ lực để mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất qua chương trình tái canh cây cà phê, lãi suất cho vay của chương trình hiện đang thấp hơn lãi suất huy động vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn ân hạn cho người dân tới 4 năm đầu, sau đó mới thu nợ gốc, lãi”.

Phải khẳng định rằng những ưu đãi của chương trình tín dụng này là sự tri ân sâu sắc mà ngân hàng mang đến cho người dân - những khách hàng thân thiết của Agribank nhiều năm qua. Agribank thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nông nghiệp nông thôn đã hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Hàng năm, Agribank chấp nhận giảm thu hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân.

Ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch hội nông dân tỉnh Đăk Lăk - khẳng định: “Những chính sách của Chính phủ nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn đã làm gia tăng chỉ số niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Nhờ nghị định 55 (nay là 116) mà sản xuất nông nghiệp của Đăk Lăk phát triển. Ngân hàng Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân. Ngân hàng Nông nghiệp đưa vốn đến người nông dân theo nhiều kênh khác nhau, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…”.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2017 - 2018, diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.808ha, tăng 1.071ha so với niên vụ trước. Việc canh tác cà phê đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp. Tính đến hết niên vụ 2017 - 2018, Đắk Lắk thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71% kế hoạch.

PV
.
.
.