Đồng hành cùng doanh nghiệp để chống hàng giả

Thứ Năm, 24/01/2019, 10:50
Quỹ ACF mong muốn trở thành đối tác của cộng đồng doanh nghiệp để từ đó có sự hợp tác tốt, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.


Ngày 23-1, tại Tọa đàm “Thực trạng giải pháp hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng” do Quỹ chống hàng giả (ACF) phối hợp với Trung tâm Phát triển Doanh nhân Việt Nam và Công ty CP Global Malls tổ chức, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch hội đồng Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam nhận định: “Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thời gian qua đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý còn chưa tương xứng với thực tế đang hết sức phức tạp, gây nhiều bức xúc, lo ngại trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của nhân dân cả nước”.

Theo ông Lương Văn Tự, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc hiện rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã hàng hóa và giá cả, diễn ra  rất phức tạp ở nhiều phân khúc khác nhau trên thị trường từ nông thôn đến thành thị trên cả nước. 

Kho mỹ phẩm kém chất lượng nhập lậu bị QLTT TP Hồ Chí Minh và Công an kinh tế phát hiện trong những ngày cận Tết.

Hậu qua của vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng (NTD) và DN sản xuất, kinh doanh chân chính, làm mất uy tín của những DN có sản phẩm bị làm giả, không những khiến NTD tẩy chay không dùng sản phẩm đó, mà còn ảnh hưởng  nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn của NTD”.

Trả lời lo ngại của một DN về vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trách nhiệm bảo đảm, bảo mật thông tin đăng ký sáng chế kiểu dáng công là trách nhiệm, nghĩa vụ của Cục. Luật quy định nếu vi phạm thì bị xử lý kỷ luật nên các DN yên tâm”.

Nhiều DN cho biết thời gian qua, việc DN phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, nhưng khi báo đến các cơ quan chức năng thì chỉ nghe lời hứa, nếu có xử lý thì cũng rất nhẹ, thường là xử lý hành chính nên hàng giả vẫn ngang nhiên tung hoành. 

Vậy Quỹ ACF có những hành động cụ thể nào để bảo vệ hàng giả cho DN? Đại diện Quỹ ACF cho rằng: Quỹ mong muốn trở thành đối tác của cộng đồng DN để từ đó có sự hợp tác tốt, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của DN. 

Trong năm 2019 để giúp DN yên tâm hoạt động, giữ được thị trường, giữ được thương hiệu, có 2 định hướng lớn mà Quỹ sẽ làm, đó là thực hiện cho được định hướng thương hiệu của DN. 

Sau đó, Quỹ sẽ làm chức năng cầu nối và bảo hộ thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường. Nếu chúng ta làm tốt được việc này hy vọng DN phát triển, góp phần phát triển kinh tế bền vững. 

Hàng gian, hàng giả không những có ở trong nước mà còn ở nước ngoài, không những ảnh hưởng thương hiệu DN mà đó là hình ảnh của quốc gia. Trong hội nhập kinh tế, việc giao thương giữa các DN trong nước và quốc tế sẽ không tránh khỏi những rủi ro.

Chính từ thực tế này mà ông Vũ Trọng Khang, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài TP Hồ Chí Minh lưu ý: Khi các DN khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thì cần ghi rõ trong hợp đồng về vấn đề này.

Thúy Hà
.
.
.