Doanh nghiệp vận tải kêu khó trong việc lắp camera giám sát

Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:53
Lắp camea giám sát trên các xe kinh doanh vận tải sẽ giúp quản lý lĩnh vực vận tải hiệu quả, hành khách cũng được đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng dịch vụ, hậu kiểm của Nhà nước. Thế nhưng, khi thời hạn bắt buộc đã cận kề, nhiều doanh nghiệp lại tìm đủ lý do để trì hoãn…


Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có quy định trước ngày 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. 

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến. 

Doanh nghiệp vận tải lo tăng nhiều chi phí khi phải lắp camera, lưu trữ hình ảnh hoạt động của xe. Ảnh minh họa

Để thực hiện việc này, Tổng cục Đường bộ yêu cầu mỗi xe khách phải lắp camera theo dõi ghi hình được các khu vực, như vị trí làm việc của lái xe, vị trí khách lên xuống, khoang hành khách. Trong quá trình hoạt động, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh về trung tâm với tần suất 3-5 phút/lần. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ khi xe chạy cự ly đến 500km, tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. 

Phía Tổng cục Đường bộ cũng khuyến cáo đơn vị vận tải trước khi lắp đặt cần lưu ý kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe, vị trí (tọa độ GPS) của xe và thời gian; lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không phải thay thế.

Tuy nhiên, gần đây, các doanh nghiệp liên tục kêu khó. Cụ thể, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết, đã làm việc với đơn vị cung cấp camera để triển khai phương án thay thế thiết bị, tuy nhiên mức chi phí cho hệ thống này là rất lớn, ước tính 8,9 triệu đồng/xe. Với gần 100 xe đang hoạt động, đơn vị phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho hệ thống camera hành trình và camera giám sát cũ cũng hơn 10 triệu đồng/xe, toàn bộ sẽ phải bỏ đi. 

Vị giám đốc này lý giải thêm: Thời gian vừa qua doanh nghiệp vận tải đã chịu nhiều thiệt hại và lỗ do xe "đắp chiếu" với dịch COVID-19, giờ lại tốn thêm chi phí cho hệ thống camera giám sát trên xe sẽ khiến đơn vị điêu đứng và gặp nhiều khó khăn. Do đó, các đơn vị vận tải kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần lùi thêm 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại. 

Tương tự, là doanh nghiệp có 50 đầu xe khách, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (thành phố Hải Phòng) cho rằng, nếu lắp mới bộ camera giám sát trong xe khách rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng nhưng Nghị định chưa có quy định quy chuẩn hợp quy của camera giám sát nên đơn vị vận tải chưa biết sử dụng camera hiện tại được không hay lắp mới. Nếu camera đang sử dụng được mà phải lắp mới thì lại lãng phí. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cũng đưa ra lý lẽ, sau hơn 2 năm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), hiện có gần 50% thiết bị trên xe khách không hoạt động… Đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp trên các xe kinh doanh vận tải. Do đó, ông Quyền kiến nghị lùi thời hạn lắp camera để không gây tốn kém trong hoạt động vận tải. 

Trước kiến nghị của các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp xe khách, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến, sau đó có trả lời cụ thể cho từng hiệp hội, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 25/4.

Đặng Nhật
.
.
.