Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số để cạnh tranh

Chủ Nhật, 18/04/2021, 10:18
Dịch bệnh COVID-19 thời gian qua đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, đồng thời cũng khiến giao dịch số - online, tăng mạnh. Trước tình hình này, doanh nghiệp (DN) buộc phải chuyển đổi số để thích ứng và đây cũng là xu hướng để cạnh tranh...

Chị Trần Thị Thúy Ngân (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã tìm đến dịch vụ y tế tận nhà. Sau khi tìm hiểu nhiều thông tin, chị Ngân chọn một công ty dịch vụ y tế có địa chỉ ở quận 10, TP Hồ Chí Minh. Chị Ngân nhận xét: Nhân viên tư vấn rất nhiệt tình, đặc biệt ở đây có nhiều dịch vụ y tế chẳng khác gì một bệnh viện, phục vụ 24/24h. 

“Tôi bị mổ nên chọn dịch vụ thay băng, cắt chỉ, chăm sóc vết thương tại nhà. Hằng ngày đều có nhân viên y tế đến phục vụ, họ làm dịch vụ này rất tốt, chăm sóc khách hàng chu đáo, dặn dò rất nhiệt tình, nên tôi rất hài lòng. Giá cả dịch vụ có cao hơn các trung tâm y tế, bệnh viện một chút, nhưng đổi lại bệnh nhân được phục vụ tại nhà, lúc nào cần thì có ngay nhân viên y tế, tránh phải đi lại, chờ đợi mệt mỏi, mất rất nhiều thời gian”, chị Ngân nói.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics áp dụng chuyển đổi số, tăng hiệu quả hoạt động.

Có thể nói, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người dân trong việc mua sắm các loại hàng hóa, các dịch vụ khám chữa bệnh… với hình thức từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến, online. Phát triển mạnh nhất đó là các dịch vụ giao hàng, bởi nhu cầu mua sắm qua mạng, giao hàng hóa tận nhà đang gia tăng chóng mặt. 

Tương tự, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, một dịch vụ trước đây người ta chỉ quen đến trực tiếp tại các phòng khám, bệnh viện, thì nay người dùng chỉ cần vào ứng dụng di động, đặt lịch hẹn như đặt đồ ăn trực tuyến, thì sẽ có ngay nhân viên liên lạc, đến tận nhà chăm sóc chu đáo. Việc thay đổi tư duy, tập trung đầu tư mạnh vào các dịch vụ như trên, theo các DN đó chính là chuyển đổi số, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh hiện tại.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc công ty chuyên về nội thất (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chuyển đổi số trong DN là một xu hướng tất yếu, mặc dù khái niệm này còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi cũng đang tìm hiểu những công ty cung cấp giải pháp hàng đầu, có ứng dụng công nghệ để phân tích doanh thu, phân tích khách hàng, nghiên cứu thị trường… để lựa chọn, nhằm đưa ra chiến lược marketing phù hợp”.

Thực tế, rất nhiều DN hiện nay vẫn chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số để có hướng thay đổi, áp dụng phù hợp. Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Chuyển đổi số trong DN là tích hợp áp dụng công nghệ số để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản lý để tạo ra lợi thế cạnh tranh với DN…”.

Ngày 7-1 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Mục tiêu đến năm 2025, có 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100 nghìn DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình; Hỗ trợ 100 DN là các thành công điển hình về chuyển đổi số từ các cấp độ khác nhau, để từ đó có những bài học lan tỏa ra cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo nghiên cứu, khảo sát hơn 400 DN tại Việt Nam cho thấy có 5 rào cản chính, đã “cản” DN áp dụng chuyển đổi số gồm: Chi phí để ứng dụng chuyển đổi số khá cao; thiếu hạ tầng về công nghệ số; DN chưa yên tâm về an toàn thông tin mạng; thiếu nhân lực nội bộ chất lượng cao, chuyên sâu để tiến hành chuyển đổi số; thiếu thông tin về công nghệ số. Còn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam thì có nhiều điểm thuận lợi để DN chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế, như tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt là thách thức khi DN chuyển đổi số.

Thúy Hà
.
.
.