Thị trường tân dược trước “cơn sóng” hội nhập

Doanh nghiệp sản xuất vẫn còn đang "chạy đà"

Chủ Nhật, 02/07/2017, 09:18
Một thực tế thị trường dược nội địa hiện nay đó là có rất ít nhà sản xuất nhưng lại có rất nhiều nhà phân phối và ngay cả nhà sản xuất cũng làm luôn cả việc phân phối.

Trong khi ấy, thực trạng hoạt động của kênh phân phối, bán lẻ, một dược sĩ có thể đứng tên nhiều nhà thuốc. Sự dễ dãi trong việc tự kê toa, mua thuốc của người dân đã dẫn đến việc một thị trường bán lẻ (OTC) manh mún, nguyên nhân của việc sử dụng thuốc không an toàn.

Chưa chuyên nghiệp (!)

Trong bài viết trước, chúng tôi đã trình bày những dẫn chứng cho thấy, dù thuốc nội cố gắng nhưng mới chỉ dừng ở loại thuốc được đánh giá… generic!

Thậm chí đã có một dược sĩ nói với PV Báo CAND thẳng thắn rằng dàn trải không chuyên là đặc điểm thực trạng sản xuất thuốc hiện nay của các đơn vị trong nước.

Trên thực tế cho thấy, trong số 194 nhà sản xuất trong nước thì, rất nhiều nhà sản xuất có cả hai dòng sản phẩm đông dược và tân dược. Trong danh mục sản phẩm rõ ràng là sản xuất thuốc tây, nhưng không khó để tìm thấy những sản phẩm đông dược, chưa kể, bên cạnh sản phẩm tân dược cả sản xuất và nhập khẩu.

Trong Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016 doanh thu trung bình năm 2015 của Top 10 đạt trên 2.000 tỷ đồng, dẫn đầu là Vimedimex, kế đến là Phytopharma và Dược Hậu Giang nhưng hầu như rất khó để tìm hiểu tỷ lệ sản phẩm tân dược tự sản xuất, tân dược nhập khẩu, phân phối, đông dược và cả những sảm phẩm khác ngoài dược phẩm nằm trong danh mục kinh doanh của công ty là bao nhiêu phần trăm. Chính vì vậy khó đánh giá hết sức mạnh DN sản xuất tân dược nếu chỉ nhìn vào doanh thu.

Các sản phẩm được sản xuất trong nước đã rất nỗ lực nhưng mới chủ yếu ở dạng bào chế quy ước, mà ít dạng bào chế công nghệ cao.

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (TRA) chia sẻ: TRA hiện đang chiếm 1.3% thị phần của toàn bộ thị trường dược Việt Nam, riêng thị trường dược OTC Việt Nam, TRA đang sở hữu 3.43% thị phần và đứng thứ hai về mặt doanh thu, riêng doanh thu OTC chiếm 84.6% tổng doanh thu quý 2-2016.

Bên cạnh đó, TRA đang xâm nhập vào mảng tân dược vì cho rằng mảng này sẽ giúp TRA nâng cao doanh thu bên cạnh việc duy trì vị thế dẫn đầu mảng đông dược lâu nay...

Tại Hội thảo ngành Dược Việt Nam – cơ hội từ thay đổi chính sách diễn ra cách đây không lâu, các đại biểu đã thống nhất ý kiến rằng, thị trường dược phẩm Việt Nam, công nghiệp dược đang gặp phải một số điểm yếu như thiếu chiến lược tập trung và dài hạn, hệ thống phân phối lại không hiện đại.

Trình độ sáng tạo thấp được thể hiện bằng số bằng sáng chế trong nước đăng ký dưới 1%. Các sản phẩm được sản xuất chủ yếu ở dạng bào chế quy ước, mà ít dạng bào chế công nghệ cao.

Rõ ràng, cũng có nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp nhưng lại chưa biết, hoặc ngại đầu tư cho khâu marketing, quảng cáo nên sản phẩm chưa tạo được vị thế xứng đáng trên thị trường trong nước.

Vừa sản xuất vừa phân phối

Để minh chứng cho điều này một đặc điểm rất đang lưu ý mà được đánh giá là nghịch lý trên thị trường thuốc Việt Nam, đó là ngay cả những DN sản xuất thuốc hàng đầu trong nước như Công ty Dược Hậu Giang tỷ lệ cũng chỉ chiếm trên 11% thị phần toàn ngành Dược Việt Nam, 5% thị phần thuốc sản xuất trong nước (so sánh với số liệu ước tính năm 2014 của Cục Quản lý Dược Việt Nam). Còn các DN khác, mặc dù nằm trong Top 10 sản xuất, cũng không đạt được nổi con số đó.

Các DN dược hàng đầu Việt Nam thường tự hào với hệ thống phân phối kiểu như: 2 công ty con phân phối, 21 chi nhánh, 23.000 khách bán lẻ; có mặt trên 64 tỉnh, thành; hoặc như: có hệ thống phân phối trên toàn quốc với 12 công ty con và 24 chi nhánh; hoặc ít hơn: 14 chi nhánh, 500 nhà thuốc. 

Thực trạng hệ thống phân phối mà các DN đang “tự hào” lại là một hệ thống như PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận xét: “Hệ thống phân phối lại không hiện đại” nhìn lại trong 20 tập đoàn sản xuất dược hàng đầu thế giới chỉ có vài nhà phân phối đảm nhiệm và tất cả đều không có hệ thống phân phối riêng.

Có vẻ như các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đều dồn hết sức lực cho việc nghiên cứu sản xuất còn việc phân phối họ giao cho đối tác có hệ thống chuyên nghiệp sẵn có.

Nói như CEO John Davison của Zuellig: “Họ nhờ cậy vào chúng tôi vì chúng tôi giúp họ bớt đau đầu!”. Và có như thế mới có hệ thống phân phối chuyên nghiệp đảm bảo sản phẩm chỉ có một đầu ra loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh, giữ được giá trị thương hiệu.

Thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 4.2 tỷ USD tính đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2015 là 17-20% và đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường sẽ cao hơn 17%.

Tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người là 40 USD. Đó là một thị trường rất rộng lớn, tuy nhiên, nhìn lại doanh thu 1.000-2.000 tỷ của những DN dược phẩm hàng đầu Việt Nam theo số liệu được công bố cho thấy, thì có lẽ DN trong nước ta vẫn còn trong giai đoạn “chạy đà”.

Huyền Nga
.
.
.