Doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội và kết nối

Thứ Bảy, 19/01/2019, 06:58
Tại hội thảo “CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức” được tổ chức sáng 18-1, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết. 


“CPTPP mặc dù không có Mỹ, nhưng quy mô thị trường vẫn lớn, chiếm 13,5 GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 5 triệu dân. Về thuế quan, cắt giảm gần 100% dòng thuế, 66% về 0% khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% về 0 sau 3 năm. Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu...

Đối với Việt Nam, các nước cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế ở các ngành đồ gỗ, thủy sản... Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ nhiều dòng thuế với các thành viên tham gia hiệp định. Với một số mặt hàng nhạy cảm như bia, thịt gà, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế cho các nước khác trong 10 năm. Các lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi nhiều như giày dép, cà phê, chè, hạt tiêu... Các mặt hàng trên ta có thể xuất sang các thị trường Canada, Nhật Bản...

Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau.

Bên cạnh đó, CPTPP còn thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại. Việt Nam có thể tích cực áp dụng cam kết để mở rộng thị trường. Khi Hiệp định có liệu lực, hàng triệu việc làm được tạo ra cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo. CPTPP mang đến nhiều lợi thế song cũng không ít thách thức đặt ra cho cộng đồng DN....

Bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ. Theo đó, quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”.

“Xuất xứ thuần túy được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế, hay còn được gọi là “free rider”.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam cho rằng để tận dụng được những lợi thế từ CPTPP, một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình chăn nuôi là nguồn cung cấp thực phẩm. Hiện, 60-65% chi phí chăn nuôi nằm ở nguồn thực phẩm. Vì vậy, các DN cần có nguồn lương thực đầu vào tốt, được kiểm soát chất lượng, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn vật nuôi đồng thời áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, cơ hội cho ngành Dệt may trong CPTPP là mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada. Tuy nhiên, quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành.

Với lợi thế ưu đãi thuế quan của CPTPP, các đối thủ cạnh tranh sẽ hỗ trợ công nghiệp dệt may của họ. Một số nước xuất khẩu dệt may mới nổi như Campuchia, Myanmar, Lào cũng được hưởng thuế 0% từ EU. Vì vậy, nhiều nước sẽ sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.

Do vậy, để tận dụng lợi thế của CPTPP, đầu tiên, các DN phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.