Doanh nghiệp lao đao vì luồng cảng không được nạo vét
- Đối thoại trực tuyến “Chung tay xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại”
- Phát triển thành phố Hải Phòng xanh, văn minh, hiện đại, bền vững
Doanh nghiệp thiệt hại đủ đường
Hàng loạt doanh nghiệp khai thác cảng biển, như Công ty CP Cảng Hải Phòng; Công ty CP cảng Nam Hải – Đình Vũ; Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; Công ty CP Cảng xanh Vip… đã kiến nghị lên UBND TP Hải Phòng, Cục Hàng hải đề nghị quan tâm đôn đốc các cơ quan chức năng duy tu, nạo vét vào cảng Hải Phòng.
Cụ thể, chuẩn tắc thiết kế có độ sâu -7m đến -7,2m đảm nhận được tàu có trọng tải lớn, nhưng hiện tại độ sâu luồng hàng hải Hải Phòng đang bị sa bồi đến hơn 70cm, chỉ còn khoảng -6,5m. Trong khi đó theo tính toán của các nhà chuyên môn, cứ 10cm sa bồi sẽ làm giảm 300 tấn hàng hóa vận chuyển. Nếu con tàu 10 nghìn tấn, trước đây có thể làm hàng bình thường tại các cảng Hải Phòng thì nay chỉ còn chở được khoảng 8 nghìn tấn, tức là mất đi khoảng 20% công suất. Những tàu trọng tải lớn không thể vào luồng, các hãng tàu phải tính biện pháp cắt hàng hoặc thuê đơn vị khác chuyển tải.
Công tác nạo vét luồng cảng Hải Phòng khó khăn do không có vị trí đổ bùn thải. |
Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải biển tại Hải Phòng chia sẻ, trước đây luồng sâu, các hãng tàu không phải chờ đợi thủy triều mà vẫn có thể vào làm hàng tại cảng. Nay cốt luồng thấp, tàu phải chờ đến khi triều cường mới vào được cảng. Thời gian di chuyển trên luồng cũng mất khoảng 3 giờ, nếu chỉ chậm một chút có thể phải đợi cả ngày. Việc phải đợi thủy triều sẽ kéo theo ảnh hưởng dây chuyền đến các tàu, gây xáo trộn lịch trình và tiến độ giao hàng.
Là đơn vị thực hiện việc duy tu nạo vét các tuyến luồng hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (ATHHMB) cho biết từ đầu năm 2017, không thể tiến hành duy tu nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng do Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các quy định mới về xả thải rất chặt chẽ về bảo vệ môi trường như: Đánh giá tác động môi trường; Giao các khu vực biển; Cấp phép nhận chìm... Việc hoàn thiện các thủ tục này đòi hòi những điều kiện rất khắt khe và nhiều thời gian. Chính vì vậy, mặc dù đã được TP Hải Phòng chấp thuận một số điểm xả thải nhưng Tổng công ty Bảo đảm ATHHMB vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục nào để đổ thải.
Loay hoay tìm nơi đổ bùn thải
Theo ông Dương Ngọc Đức, do sốt sắng về tiến độ, Tổng công ty Bảo đảm ATHHMB đã chủ động tìm hiểu thông tin các tổ chức, đơn vị trên địa bàn Hải Phòng có nhu cầu tiếp nhận bùn, đất nạo vét để phục vụ san lấp mặt bằng. Đến nay Cục Hàng hải đã giao Tổng công ty hoàn thiện các thủ tục cấp phép để tiến hành thực hiện dự án nạo vét một cách sớm nhất để có thể khởi công trong tháng 12-2017.
Cụ thể là Công ty TNHH Thành Bình - nhà thầu của Tập đoàn Sun Group thực hiện dự án khu vui chơi giải trí và công viên sinh thái trên đảo Vũ Yên đồng ý tiếp nhận bùn, đất nạo vét tại đây để san lấp mặt bằng. Cùng với đó là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cũng đồng ý tiếp nhận đổ bùn, đất để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Công ty với khối lượng trên 1 triệu m3.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức thì đây chỉ là giải pháp tình thế, “chạy ăn từng bữa”. Với khối lượng phù sa bồi đắp từ 1,5 đến hơn 3 triệu m3 mỗi năm, công tác duy tu nạo vét luồng vào cảng Hải Phòng phải được quy hoạch vị trí chứa bùn thải.
Trước đó, từ năm 2016, TP Hải Phòng đã có quy hoạch 7 vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải khu vực Hải Phòng. Trong đó có 5 vị trí đổ thải ven bờ gồm: Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, khu vực phía Bắc kênh Cái Tráp, khu vực phía Nam đảo Cát Hải, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khu vực đê quai lấn biển Tiên Lãng. Và 2 vị trí đổ thải ra biển gồm vị trí cách phao số “0” luồng Lạch Huyện khoảng 6km về phía Đông Nam, khu vực ngoài khơi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện 20 – 25km về phía Nam, Đông Nam.
Song, theo Cục Hàng hải cho rằng, tất cả 7 vị trí đổ thải này đều không khả thi. Đối với 5 vị trí ven bờ, có vị trí đã tạm dừng do UBND TP Hải Phòng yêu cầu, có vị trí đang là đầm nuôi trồng thủy sản sẽ phải đền bù giải phóng mặt bằng, có vị trí không có đê bao, cự ly vận chuyển xa làm phát sinh chi phí... Còn lại 2 vị trí đổ ra biển cũng đều “tắc” do 1 vị trí đã đầy và 1 vị trí có khả năng tiếp nhận khoảng 40 triệu m3 nhưng lại gặp vướng mắc về thủ tục giao khu vực biển.
Khi gặp khó khăn trong việc tìm vị trí đổ vật liệu nạo vét, Tổng công ty Bảo đảm ATHHMB đã đề xuất vị trí đổ bùn đất nạo vét chung cho hai tuyến luồng trên tại khu vực ngoài biển cách phao số “0” đoạn luồng Lạch Huyện 7,5km về phía Nam, bán kính khu vực đổ thải là 1km. Dự kiến khu vực này có trữ lượng chứa gần 16 triệu m3.
Quá trình nhiều lần họp bàn, giải quyết, lấy ý kiến từ các sở, ngành có liên quan, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản thống nhất chủ trương cho Cục Hàng hải đổ bùn, đất nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng, Phà Rừng, kênh Cái Tráp vào vị trí đã đề xuất. Cục Hàng hải Việt Nam chỉ được thi công sau khi đã hoàn thành các thủ tục về môi trường, hàng hải quy định tại các bộ luật liên quan.
Trong khi đó theo quy định của Luật TN&MT biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, các Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc đổ vật liệu nạo vét duy tu luồng hàng hải tại vị trí ngoài biển phải xin cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển để sử dụng. Do vậy đến nay báo cáo đánh giá tác động môi trường của các công trình vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.