Doanh nghiệp méo mặt vì thủ tục hành chính

Thứ Bảy, 13/08/2016, 08:54
Doanh nghiệp khốn khổ vì thủ tục hành chính là vấn đề được các doanh nghiệp (DN) đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất tại Hội thảo sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11-8 tại Hà Nội.



Thời gian gần đây, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, không ít đánh giá cho rằng các thủ tục của Luật này gây thêm phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính nhiều rào cản khiến DN tốn nhiều chi phí. Để đảm bảo lợi nhuận, DN đành cắt xén vật liệu, vật tư của công trình để bù lại chi phí. Theo nhiều DN, việc tăng lãi suất và thủ tục gia tăng chính là chiếc thòng lọng “giết” DN nhiều nhất.

Đại diện Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế cho hay, các thủ tục đầu tư với dự án sử dụng đất còn chưa hợp lý, thiếu logic. Chẳng hạn, với thủ tục thành lập một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể phải có 3 loại giấy phép, gồm: chấp thuận chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Ngoài ra, DN có thể bị yêu cầu các loại giấy phép khác như: Giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán buôn… Do vậy, cần rút gọn thủ tục và thực hiện cơ chế liên thông giữa các cơ quan Nhà nước để giảm bớt thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và thành lập DN.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Từ thực tiễn hoạt động từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, CIEM đã tổng kết một số nội dung chồng chéo, hoặc khoảng trống trong các quy định pháp luật liên quan đến việc hình thành và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất với các Luật chuyên ngành. Chẳng hạn, thủ tục đánh giá tác động môi trường không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ Môi trường.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, DN bất động sản kêu thủ tục xin giấy phép đầu tư, sổ đỏ lâu nhưng phải xem lại quy trình đúng hay không. Với các dự án xây nhà ở để kinh doanh, ngoài đổ lỗi cho chi phí hành chính để nâng giá thành, còn phải trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, chủ trương đầu tư khi thực hiện dự án cực kỳ quan trọng. Nếu ở địa phương, khi chủ tịch tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư, coi như đã xong, thì cứ thế thực hiện thủ tục tiếp theo. Dù thông số trong chủ trương này sơ sài, duy ý chí nhưng căn cứ để thực hiện. Lãnh đạo đồng ý thì cấp dưới không thể từ chối thực hiện.

Ông Cung cho rằng, hiện nay có sự mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của các luật chuyên ngành khác. Những vấn đề này đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN trong quá trình thực thi và tuân thủ. Để vẽ được quy trình rõ ràng thì không khó, mà khó ở sự thống nhất, sự “đồng minh” của các bộ, ngành, các cấp chính quyền liên quan.

Lưu Hiệp
.
.
.