Doanh nghiệp cần thận trọng để tránh “sập bẫy” tại thị trường xuất khẩu

Thứ Bảy, 22/06/2019, 08:07
Ngày 21-6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Triển vọng hợp tác và phát triển thương mại tại khu vực Trung Đông - Châu Phi” nhằm giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như tránh được những rủi ro xảy ra khi giao dịch với thị trường Trung Đông và Châu Phi.


Bà Phạm Hoài Linh - Phó trưởng Phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Đông có 15 nước (trong đó có 10 nước đã là thành viên WTO) với dân số khoảng 320 triệu người (số liệu năm 2015), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 2,2% (GDP 2018 là 3,452 tỷ USD).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam – Trung Đông đạt 13,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 8,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5,1 tỷ USD. Do điều kiện tự nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, hầu hết các nước Trung Đông phải nhập khẩu số lượng lớn, đến 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm (tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm) và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lưu ý DN xuất khẩu cần thận trọng tìm hiểu kỹ thị trường để tránh rủi ro.

Riêng thị trường Việt Nam, trong năm 2018, các nước Trung Đông nhập khẩu 958 triệu USD các mặt hàng nông sản, thực phẩm (hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê, chè, hải sản, rau quả, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc). Ngoài các mặt hàng, thực phẩm, nông sản, thủy sản, Trung Đông còn có nhu cầu nhập khẩu cao các loại hàng hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... nên được xác định đây là thị trường lớn, mở, và còn rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam.

Cụ thể, các thị trường tiềm năng như: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhập khẩu khoảng 80% lương thực, nông sản, thực phẩm. Trong đó, Việt Nam đã có hơn 100 mặt hàng tại thị trường này, nhiều nhất là sản phẩm chanh không hạt (chiếm 85% thị phần). Về thủy hải sản, UAE nhập khẩu đến 75%.

Đây cũng chính là “trạm trung chuyển” hàng hóa lớn nhất khu vực Trung Đông và châu Phi, là nơi đặt trụ sở, chi nhánh của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới nên rất thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tại đây cũng như tái xuất sang các quốc gia khác; Ả rập Xê Út, do điều kiện tự nhiên chủ yếu là sa mạc nên không thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, dẫn đến có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng nông sản, thực phẩm; Thổ Nhĩ Kỳ thì có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại nông sản, thủy sản để làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu như điều thô, ca cao, cà phê...

Với thị trường châu Phi, theo bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á, châu Phi – Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thị trường này có đến 55 nước, với dân số 1,3 tỷ người. Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất sang châu Phi gồm: Gạo, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, dệt may, giày dép, hạt tiêu, máy móc thiết bị, sản phẩm sắt thép.

“Thói quen của người tiêu dùng ở thị trường châu Phi thích uống ngọt nên khi xuất khẩu cà phê hòa tan DN cần chú ý độ ngọt. Đối với hồ tiêu, DN cần quan tâm đến giá cả, chất lượng phù hợp, do Bắc Phi đa phần là đạo Hồi nên nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu khá lớn. Trong khi đó, hồ tiêu và cà phê là những loại cây họ không trồng được, nên rất thuận lợi cho DN xuất khẩu của Việt Nam”, bà Phương chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi như trên, DN khi xuất khẩu vào khu vực Trung Đông – châu Phi cần tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, có 2 rủi ro mà DN thường gặp phải đó là rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C và DN gặp phải tình trạng lừa đảo.

Bà Phương dẫn chứng tình trạng lừa đảo đã xảy ra tại một số nước Tây Phi như: Nigeria, Togo, Cameroon. Trong khi DN Việt Nam hiện nhập khẩu rất nhiều mặt hàng hạt điều, gỗ, bông, từ các nước Tây Phi. Đã có nhiều trường người Nigeria xin visa sang Việt Nam nhưng khi sang đến Việt nam thì họ “biến mất”.

Năm 2018, Bộ công Thương cũng đã xử lý một trường hợp. Đó là một DN bị “sập bẫy” một “đối tác” lừa đảo. Cụ thể, một người Nigeria lập ra website giả một trang web của một tổ chức quốc tế cùng trang web của công ty họ, chào giá mua sản phẩm của DN Việt Nam với giá cao hơn hẳn so với giá thị trường. Phía “đối tác” Nigeria yêu cầu DN Việt Nam chuyển 1.000-2.000 USD để làm bộ chứng từ. Khi nhận được khoản này, phía “đối tác” yêu cầu chuyển tiếp tiền để bộ chứng từ có dấu chứng nhận bộ tại Nigeria...

Và cứ thế, theo yêu cầu, DN đã chuyển nhiều lần, số tiền lên đến 7.000 – 8.000 USD thì DN Việt Nam mới biết đã bị lừa. Một DN Việt Nam bị lừa khi nhập khẩu bông từ Togo. Khi hàng sang đến cảng mới biết là bông không có, mà toàn là đá gỗ. DN bị lừa đảo như trên do không có văn phòng đại diện, không kiểm tra hàng trước khi hàng lên cảng. “Vì vậy, DN cần thận trọng tìm hiểu kỹ thị trường, thẩm định kỹ đối tác trước khi ký kết làm ăn để tránh rủi ro. Điều này là hết sức cần thiết”, bà Phương cảnh báo.

Thúy Hà
.
.
.