Doanh nghiệp cần hỗ trợ để vực dậy sản xuất hậu COVID-19

Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:29
Sau hơn một năm dịch COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp (DN) dịch vụ, sản xuất, kinh doanh đã dần hồi phục. Tuy nhiên, để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách mạnh mẽ, bên cạnh nỗ lực nội tại, cộng đồng DN cũng đang rất mong Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp để hỗ trợ, để tiếp sức cho DN…


Đánh giá những tác động do dịch COVID-19 đối với DN, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, dịch COVID-19  đã tạo nên cú sốc cả về nguồn cung lẫn tổng cầu, sản xuất đình trệ, hàng loạt thị trường đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê trong năm 2020, có đến 85,7% DN trên cả nước bị tác động bởi COVID-19, quy mô DN càng lớn, tỷ lệ chịu tác động xấu càng cao. Khảo sát  cho thấy, có tới 57,7% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Trong các DN có hoạt động xuất khẩu (XK), có tới 47,2% DN khẳng định, hàng hóa sản xuất ra không XK được; 45,4% số DN được khảo sát bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, áp lực chi trả công lao động, chi phí khác… 

Đáng chú ý, những ngành có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch COVID - 19 cao như: Hàng không 100%; dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%. Tiếp đến là các ngành: Dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ôtô đều có tỷ lệ trên 90%.
Xuất khẩu khó khăn do dịch COVID -19, các doanh nghiệp hàng may mặc bán tại thị trường nội địa.

Là ngành có đến hơn 7.000 DN (80% là DN nhỏ và vừa, 40% DN FDI) giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động, ngành dệt may luôn nằm trong top 2 ngành XK hàng đầu Việt Nam, top 3 các nước XK dệt may lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2020 do chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, kim ngạch XK dệt may Việt Nam chỉ đạt 35,2 tỷ USD (trong khi năm 2019 XK đạt 38,9 tỷ USD).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2020 do tác động tiêu cực của COVID-19, kim ngạch XK của ngành dệt may giảm 6,7 tỷ USD so với kế hoạch. Việc thiếu đơn hàng khiến 30% công nhân ngành dệt may thiếu việc trong tháng 4 và 70% lao động còn lại chỉ làm việc với khoảng 60% công suất; có khoảng 600.000 lao động ngành dệt may bị thiếu hoặc mất việc trong 6 tháng cuối năm 2020 và sang cả năm 2021. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.000 tỷ đồng, cộng dồn với thiệt hại do tồn kho nguyên liệu mua trước, sản phẩm bị hoãn, hủy đơn hàng thì 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành dệt may đã mất từ 11.000 - 12.000 tỷ đồng. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, nên con số thiệt hại vẫn tiếp tục tăng.

Cũng theo đại diện Vitas, các DN dệt may đã dần hồi phục khoảng cuối năm 2020. Nhóm DN lớn trên 1.000 lao động, đã chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa dịch và bán tốt như sản xuất khẩu trang, găng tay. DN nhỏ và vừa tập trung khai thác thị trường nội địa và vẫn duy trì được. Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK của ngành dệt may cũng đã bứt phá, đạt 8,84 tỷ USD (tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2020).

Tương tự, ngành da giày - túi xách là một trong 5 ngành XK hàng đầu của cả nước. Năm 2019, XK đạt 22 tỷ USD, nhưng năm 2020, XK chỉ đạt 19,5 USD (giảm 11% so với năm 2019) do thiếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Không chỉ giảm sút ở thị trường XK, mà doanh thu của ngành da giày - túi xách tại thị trường nội địa cũng giảm mạnh, giảm gần 40% so năm 2019. 

Cuối năm 2020, đầu 2021 sản xuất cũng đã từng bước được hồi phục, các DN XK ngành da giày đã có đơn hàng trở lại, nhưng DN lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn rất lớn. Cụ thể, đó là khó khăn về vận chuyển hàng, giao hàng XK do số lượng container quá khan hiếm, giá cả thuê container tăng vọt. Việc thu hút lao động làm việc trở lại vô cùng khó khăn, do lúc cao điểm của dịch COVID-19, DN cho lao động nghỉ việc nhiều. Bên cạnh đó, DN khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, duy trì đội ngũ công nhân lao động…

Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do bị tác động của dịch COVID-19, thời gian qua Chính phủ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ, tuy nhiên số DN tiếp cận các gói hỗ trợ này không nhiều. Đại diện Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam nêu ra giải pháp mà hiện nay các DN mong đợi nhất từ phía Chính phủ: Đó là miễn thuế đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa, các DN chịu tác động mạnh từ vùng dịch; Hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 tạo điều kiện để các DN hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính do hậu quả của dịch gây ra; Cho DN vay với lãi suất ưu đãi; Tùy điều kiện diễn biến dịch bệnh ở các nước Việt Nam có lợi thế XK, Chính phủ đàm phán mở cửa các đường bay, tạo điều kiện thuận lợi để các DN thúc đẩy giao dịch thương mại. 

“Để hỗ trợ DN hơn nữa, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các Hiệp định thương mại nhằm mở rộng thị trường XK. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để minh bạch và tạo thuận lợi cho DN. Các chương trình xúc tiến thương mại cần được tiếp tục và dài hơi hơn. Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, cần chính sách thu hút, cấp phép dự án dệt nhuộm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách áp dụng 4.0”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đề xuất.

Thúy Hà
.
.
.