Xe khách “trốn” truyền dữ liệu giám sát hành trình:

Doanh nghiệp thờ ơ, cơ quan chức năng lo tai nạn

Thứ Bảy, 03/04/2021, 07:12
Mặc dù đã có quy định rõ ràng, song gần đây, mỗi tháng tại các tỉnh, thành vẫn có tới hàng trăm doanh nghiệp vận tải “thờ ơ” với việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của phương tiện hoạt động về cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.


Điều này khiến cho cơ quan chức năng không khỏi đau đầu vì lo khó giám sát, khó xử lý vi phạm, đặc biệt là nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông (TNGT)…

Hơn 600 nghìn xe không truyền dữ liệu

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua khai thác dữ liệu (từ tháng 10/2020 đến hết tháng 1/2021) trên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, trong tháng 10/2020, trên địa bàn TP Hà Nội có 42 đơn vị với tổng số 79 xe vi phạm về tốc độ; hơn 1.800 đơn vị với hơn 12.300 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 10.765 đơn vị với 65.867 xe vi phạm về truyền dữ liệu (không truyền dữ liệu GSHT từ 10 ngày trở lên). 

Tương tự, tháng 11/2020, có 249 đơn vị với tổng số 536 xe vi phạm tốc độ; 1.929 đơn vị với 12.438 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 10.945 đơn vị với 70.080 xe vi phạm về truyền dữ liệu. 

Tháng 12/2020, có 536 đơn vị với tổng số 1.599 xe vi phạm về tốc độ; 4.072 đơn vị với 29.989 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 10.917 đơn vị với 67.415 xe vi phạm về truyền dữ liệu. Trong tháng 1/2021, có 549 đơn vị với tổng số 1.508 xe vi phạm tốc độ; 4.976 đơn vị với 35.517 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 11.027 đơn vị với 68.905 xe vi phạm về truyền dữ liệu.

Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động của thiết bị GSHT trên xe khách.

Không chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có hơn 600 nghìn xe không truyền dữ liệu GSHT về Tổng cục. Trong đó, tỉnh ít thì có tới hàng trăm xe vi phạm như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu…; tỉnh nhiều vi phạm lên tới hàng nghìn xe như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đắk Nông, Hà Nam. Thậm chí có những tỉnh có số xe vi phạm không truyền dữ liệu lên tới con số hơn chục nghìn như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang… 

Trên thực tế, thiết bị giám sát hành trình là giải pháp giúp nâng cao tính trách nhiệm trong công việc hay tham gia giao thông của tài xế. Dữ liệu giám sát hành trình sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp vận tải nâng cao hiệu suất công việc, đảm bảo an toàn của mỗi chuyến xe. Tuy nhiên, việc gần đây các doanh nghiệp vận tải cố tình bơ đi quy định này, cùng với diễn biến giao thông phức tạp trên các cung đường đang là tiếng chuông cảnh báo nguy cơ gia tăng TNGT, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc xử lý nghiêm.

Từ 15/4, tổng kiểm tra doanh nghiệp vận tải không truyền dữ liệu GSHT

Trước thực tế trên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị vừa ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT. 

Theo đó, kế hoạch sẽ được thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/7/2021. Đối tượng kiểm tra là toàn bộ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá trên phạm vi toàn quốc. 

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, gần đây liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ôtô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người. Mặc dù đã nhiều lần chỉ đạo các Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị GSHT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu TNGT, tuy nhiên, qua theo dõi trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định. 

Trong thời gian 3 tháng tới, các hành vi sẽ được tập trung kiểm tra, xử lý là các vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ thiết bị GSHT; các hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị và các hành vi vi phạm khác.

Được biết, mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình đã được quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Theo đó, Khoản 6 Điều 23 quy định rõ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô. 

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. 

Tại Khoản 6 Điều 28 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định rõ, phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu: Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô. Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định…

Phạm Huyền
.
.
.