Doanh nghiệp cần gỡ bỏ “rào cản” để đổi mới, sáng tạo.

Thứ Bảy, 13/10/2018, 09:06
TP HCM trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ; đóng góp trung bình hằng năm hơn 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong thành quả đó có sự đóng góp to lớn của hơn 350.000 doanh nghiệp (DN).

Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng: “Tính chất sống còn của đổi mới sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh từ quản trị điều hành, kế hoạch kinh doanh”. 

Tuy nhiên, cái khó nhất mà Vinsun đang đối mặt là những rào cản, điều kiện kinh doanh (13 điều kiện). Trong 3 năm, với số lượng xe của Vinasun khoảng 5.000 chiếc, nộp ngân sách Nhà nước trên 1.500 tỉ đồng, nhưng Grab cũng thời gian đó chỉ nộp ngân sách 12,3 tỉ đồng.

“Các DN không cần sự bảo trợ của Nhà nước mà cần chính sách bình đẳng. Bình đẳng về “cách chơi” tại sân chơi Việt Nam giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp, động viên khởi nghiệp nhưng xin đừng để xảy ra tình trạng các DN Việt Nam không có điều kiện để lớn”, ông Quý chia sẻ.

Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thông tin, trên thế giới, nhóm 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất đều ở lĩnh vực công nghệ. Còn ở Việt Nam, nhóm 10 DN lớn nhất là thuộc nhóm ngành bất động sản, ngân hàng... Chúng ta không cần động lực để thay đổi mà phải là áp lực để thay đổi. Công nghệ đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng ở Việt Nam gặp rất nhiều rào cản.

Rất nhiều DN nói rằng, khi họ thay đổi về công nghệ lại gặp khó khăn từ phía nhân lực, con người. Trong khi đó, các DN ở nước ngoài vào Việt Nam họ nói rằng nguồn nhân lực của chúng ta rất thông minh, nhạy bén nhưng các DN trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh thu hút về nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn An Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG cũng thừa nhận, công nghệ đang thay đổi liên tục, DN cần người để thích ứng và cả đổi mới kỹ thuật. Nhưng với VNG, thách thức lớn nhất hiện nay là công ty đang phải đối đầu việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

Theo nhận định của bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ TP Hồ Chí Minh: Đầu tư cho DN start-up (khởi nghiệp), DN trẻ cần 2 hướng: Một là nhận thức của chính DN về lợi thế cạnh tranh của mình; Hai là chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay chính sách còn chưa đầy đủ, thiếu khá nhiều khung pháp lý cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Các hoạt động tạo động lực để DN sử dụng nền tảng đổi mới sáng tạo còn thiếu.

Câu chuyện nguồn nhân lực ở đâu cho sự phát triển này cũng là thách thức mà TP phải đối mặt. Chính con người tạo nên nền tảng đó. Nói đến các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ phải nói đến đoạn thay đổi nhận thức của thị trường, nhận thức là rào cản khiến DN trẻ, khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cũng nêu ý kiến: Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là chuyển đổi DN từ mô hình cũ sang mô hình mới, ứng dụng công nghệ 4.0. Các chuyên gia, công ty công nghệ cũng đang có những chương trình hay, hỗ trợ miễn phí cho các DN. Điều này là rất cần thiết vì thực tế hiện nay nhiều DN vẫn đang loay hoay với công nghệ 4.0, nhất là khu vực DN vừa và nhỏ.

Nhìn chung, DN Việt Nam hiện nay đang còn nhiều cái thiếu và yếu như: Thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, thiếu công nghệ hiện đại... đặc biệt là vẫn còn rào cản về chính sách của Nhà nước.

Ông Đỗ Thanh Năm, chuyên gia quản trị cho rằng: Chính sách vĩ mô phải tạo cho DN thấy có động lực. Chúng ta đang bị rào cản rất lớn về mặt tâm lý để thực hiện mục tiêu này. Ví dụ, công nghệ 4.0 ở Singapore ứng dụng vào quản lý hệ thống cấp điện rất tốt nhưng về Việt Nam hiệu quả lại không cao.

Nguyên nhân là do họ có môi trường tốt, công nghệ đem lại đột phá lớn. Chúng ta phải tạo môi trường thế nào để họ chấp nhận rủi ro, sáng tạo về công nghệ.

“Nhà nước có chính sách như thế nào để DN phát triển và bản thân DN có môi trường như thế nào để nhân viên có thể sáng tạo? Môi trường thách thức mới tạo được động lực”, ông Năm khẳng định.

T.Hà
.
.
.