Tại sao doanh nghiệp tư nhân Việt không chịu lớn?

Thứ Hai, 08/10/2018, 08:50
Tại toạ đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và Giải pháp” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những rào cản tại sao doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không chịu lớn.


Xu hướng phát triển kiểu “mì ăn liền”

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đóng góp vào GDP của khu vực DNTN đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường. Lý giải vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, từ năm 1991, Luật Doanh nghiệp thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cho đến nay Việt Nam mới xuất hiện 4 tỷ phú đô la, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới và chưa có DN nào ngấp nghé ở top các DN hàng đầu thế giới.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, lý do là môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rủi ro. DN Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý.

Doanh nghiệp không tự làm mới mình thì rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Mặt khác, theo ông Cung, với những DN muốn lớn thì họ lại không lớn được. Với một DN có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. Trong khi đó, việc phân bố nguồn lực thường theo xin - cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng, ai làm tốt thì được cấp vốn. TS Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay chúng ta rất thiếu vốn, chi phí vốn rất cao, lãi suất điều hành của Chính phủ rất thấp nhưng DN phải đi vay rất cao.

Đây là nghịch lý rất lớn, 1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Câu chuyện phân phối thu nhập của nền kinh tế rõ ràng đang có sự lệch lạc. Đáng lẽ nên dồn cho sản xuất, nhưng hiện nay lại chủ yếu dành cho các ngành dịch vụ như ngân hàng, du lịch…

Nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ rất lớn, nhưng con số thực góp lại rất nhỏ. Điều này tạo sự mất an ninh tài chính. Hiện nay có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, song chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ đóng thuế, ngoài ra thu nhập chưa phải đóng thuế. Cơ chế chính sách tạo nguồn lực cho các khu vực lớn mạnh. Hiện nay theo cơ chế thị trường, những DN đi sau sẽ gặp khó khăn hơn.

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. 

“Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có “tiền tươi thóc thật” ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần khác

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần khác.

Ở góc độ DN, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, các nhà đầu tư tư nhân làm BOT như Đèo Cả đều cảm thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. 

Cùng với đó, văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định, lấy ví dụ như Luật Doanh nghiệp cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, tuy vậy Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án. 

Nhiều văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn 1 năm qua, 1 thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Và điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó.

TS Võ Trí Thành cho rằng, dù với rất nhiều rào cản nhưng DNTN vẫn phát triển, điều này cho thấy tiềm năng của dân tộc còn rất lớn, vấn đề là có làm đúng trọng điểm hay không. Nói rào cản là để chữa quá khứ, nhưng nắm bắt xu hướng là để cho tương lai. Dù là công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì trước hết chúng ta phải cải thiện nền tảng DN và cần thúc đẩy để DNTN phát triển.

GS-TKSH Nguyễn Mại cũng khẳng định, tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. 

Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc TH Herbals cũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các DN lớn đủ nguồn lực tham gia thì mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các DN đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm tốt và hiệu quả. Từ đó, DN mới có thể phát triển và kéo theo kinh tế Việt Nam phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.