Doanh nghiệp cần chủ động để tránh bị kiện tại thị trường xuất khẩu

Thứ Sáu, 27/07/2018, 09:21
Trong quá trình theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp cần nghiên cứu đến những chiến lược mang tính đối sách, đến vấn đề phản ứng, những vấn đề tạo ra yếu tố công bằng về mặt chung trên vụ kiện, giúp duy trì mức thuế ổn hơn trong các kỳ xem xét hành chính.

Ngày 26-7, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công thương, tổ chức hội thảo “Xu thế điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay - Kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan”, nhằm cung cấp thông tin cập nhật các văn bản pháp luật mới về PVTM nhằm giúp doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam nắm bắt thông tin, ứng phó hiệu quả các vụ kiện PVTM.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết hiện hầu hết các quốc gia khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách bảo hộ trong nước.

Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hay trong các FTA, các quốc gia vẫn được phép sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi thương mại không lành mạnh hoặc sự gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Theo Cục PVTM, tính từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến tháng 6-2018, có khoảng 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ... Trong các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhiều nhất là vụ việc về điều tra chống bán phá giá (78 vụ), tự vệ (25 vụ), lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ), chống trợ cấp (12 vụ).

Là ngành “dính” đến hai vụ kiện bán phá giá là mặt hàng cá tra và tôm tại thị trường Hoa Kỳ, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, đợt điều tra chống bán phá giá mà VASEP tham gia (cũng là lần đầu tiên của Việt Nam) tại thị trường Hoa Kỳ.

Năm 1998 cá tra Việt Nam khởi sắc vào tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Hoa Kỳ đã khiến Hiệp Hội cá nheo ở Mỹ đâm đơn kiện, và cá tra Việt Nam bị điều tra tại thị trường Hoa Kỳ vào năm 2002. Lúc đó, khái niệm, kiến thức về chống bán phá giá của Hiệp hội như... tờ giấy trắng, cơ quan Nhà nước cũng chưa có cơ quan chuyên trách vấn đề này. Vì vậy, VASEP đã quyết định thuê một công ty luật ở Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi cho mình. Vụ kiện năm đó mức thuế sau khi điều tra không đạt như mong muốn, DN Việt Nam gần như bế tắc, gần như không còn đường xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, sau đó các DN tiếp tục củng cố các yêu cầu của mình thông qua các chính sách, chế độ để xem xét hành chính trở lại, cứ năm này 1 công ty, năm sau 1 công ty nữa, rồi lại năm sau một công ty nữa... và cứ thế DN theo đuổi các kỳ xem xét hành chính 15 năm, đến tháng 8-2018 này là kỳ xem xét hành chính thứ 15.

Còn vụ thứ hai đối với mặt hàng tôm mà VASEP bị “dính” vào năm 2004. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ vụ kiện chống bán phá giá đối với cá tra, VASEP đã có những biện pháp “đáp trả” tương xứng.

Cụ thể VASEP phối hợp các bên liên quan trong đó có cả các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ để đấu tranh quyết liệt, đồng thời liên tục áp dụng việc kiện lên WTO một số vấn đề để tạo ra mặt trận hết sức công bằng, khiến cho kết quả các kỳ xem xét hành chính được thuận lợi.

“Đó cũng là lý do vì sao đến nay, sau 14 năm mặt hàng tôm Việt Nam mức thuế liên tục bị áp nhưng vẫn “sống” được, cạnh tranh được tại Hoa Kỳ”, ông Hòe khẳng định.

Qua hai vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ, ông Hòe chia sẻ kinh nghiệm đối với DN: “Đối với việc chống bán phá giá, DN cố gắng đừng để bị kiện, nếu DN vẫn xuất khẩu vào thị trường đó. Bởi vì, khi DN đã bị kiện, nếu không làm tốt giai đoạn điều tra thì DN sẽ theo vụ kiện đó suốt thời gian gian dài, có thể vài chục năm chứ không thể nói 1 kỳ hay 2 kỳ. Nếu bị kiện, DN cố gắng để vượt qua ngay giai đoạn điều tra, chứ để đến khi đã có lệnh áp thuế rồi thì gần như là rất khó “gỡ”.

Một kinh nghiệm nữa, đó là trong quá trình theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá, DN cần nghiên cứu đến những chiến lược mang tính đối sách, đến vấn đề phản ứng, những vấn đề tạo ra yếu tố công bằng về mặt chung trên vụ kiện, giúp duy trì mức thuế ổn hơn trong các kỳ xem xét hành chính.

Bà Trần Thị Lan Hương, Phòng xử lý PVTM nước ngoài - Cục PVTM cũng khuyến nghị: “DN chủ động phòng tránh các vụ kiện bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, giá trị gia tăng (giá cao hơn). Khi bị kiện, DN chủ động đối phó bằng cách thuê luật sư tư vấn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, cơ quan Chính phủ (Cục PVTM, chuẩn bị tốt hồ sơ chứng từ, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lựa tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất và đến cùng”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hải, Luật sư cao cấp, Công ty Luật Y.K.V.N. cũng thông tin, ông cũng vừa nhận được thông tin Malaysia tiến hành khởi xướng điều tra bán phá giá đối với hàng thép mạ kẽm của Việt Nam. Vì vậy DN có liên hệ với Cục PVTM để có phản ứng kịp thời.

Thúy Hà
.
.
.