Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ khắc phục sự cố tàu vỏ thép của ngư dân
- Đóng tàu cá cho ngư dân bằng thép Trung Quốc: DN sai phải chịu trách nhiệm
- Trao tàu vỏ thép cho ngư dân
- Thép Trung Quốc “lấn át” thép nội địa
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Công ty Nam Triệu đóng mới 20 tàu vỏ thép cho ngư dân của tỉnh. Tiến hành kiểm tra 4 tàu có đơn kiến nghị, đã ghi nhận một số tàu bị rỉ sét, hà bám nhiều trên thân vỏ. Máy chính Mitsubishi và máy phát điện của cả 4 tàu đều bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt. Hầm bảo quản không giữ được lạnh, tiêu đá nhiều; 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọng bị han rỉ, đứt gãy.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, khi nhận được thông tin của các chủ tàu thông báo gặp sự cố, Công ty đều cử lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật cùng người của hãng máy xuống hiện trường trực tiếp cùng chủ tàu kiểm tra, lập biên bản xác định nguyên nhân, tiến hành sửa chữa khắc phục sự cố với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bà con ngư dân sớm đưa tàu vào hoạt động.
Một trong số những tàu cá đóng theo Nghị định 67 được các ngư dân đến thăm, kiểm tra trong quá trình thi công. |
Ông Đặng Ngọc Oanh khẳng định, máy tàu Công ty ký hợp đồng với 2 đơn vị là Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia làm đại lý cho hãng Miitsubishi (Nhật Bản) và Công ty TNHH ôtô Đông Hải là đại lý của hãng máy Doosan (Hàn Quốc). Máy được nhập nguyên đai, nguyên kiện, có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận chất lượng sản
phẩm, được cơ quan giám định xác định trong chứng thư chất lượng máy mới 100%.
Khi máy được nhập về, Công ty đã mời các chủ tàu đến kiểm tra. Đại diện nhà máy đóng tàu cùng các chủ tàu cùng ký vào biên bản xác định máy mới. Trước khi lắp máy vào tàu, chủ tàu trực tiếp kiểm tra lần nữa, cùng người của hãng máy, giám sát quá trình lắp máy, vận hành, chạy thử, ký biên bản nghiệm thu từng phần cùng cán bộ Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Bộ NN và PTNT).
Về tiền thiết kế tàu, nếu ngư dân chọn theo 21 mẫu tàu cá đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt theo Nghị định 67/NĐ-CP thì không phải trả tiền thiết kế.
Còn các tàu Công ty Nam Triệu thi công, đơn vị thiết kế gửi các mẫu tàu để ngư dân chọn để phù hợp với thực tế khai thác, không có trong các mẫu tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt, sau đó gửi về Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản duyệt, gắn cụ thể tên ngư dân đối với mẫu tàu đó. Công ty Nam Triệu ký hợp đồng với ngư dân trọn gói về tàu bao gồm đầy đủ các chi phí thiết kế, giám sát, thi công ...
Sau đó, Công ty Nam Triệu ký hợp đồng với đơn vị thiết kế, toàn bộ chi phí thiết kế được trả cho đơn vị thiết kế tàu (3 đơn vị thiết kế là: Công ty CP Thiết kế và Xây lắp Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình; Công ty TNHH Kỹ thuật thiết kế Trường Thành An, Công ty TNHH Thiết kế tàu thủy).
Xác định tầm quan trọng của việc sử dụng phương tiện nên khi tàu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, Công ty Nam Triệu rất quan tâm chú trọng đến công tác hướng dẫn quy trình vận hành tàu cho bà con ngư dân. “Qua theo dõi giám sát của Công ty quá trình bàn giao đến nay đa số các thuyền viên được đào tạo, tập huấn bài bản, có bằng cấp chuyên môn phù hợp, vận hành tàu đúng quy trình đều hoạt động tốt” – ông Đặng Ngọc Oanh nói.
Cũng theo ông Oanh, có một số bà con trước đây sử dụng tàu công suất nhỏ, phương tiện thô sơ, còn hạn chế về trình độ, nhận thức tiếp thu quy trình vận hành tàu chưa thành thạo dẫn đến hỏng hóc không đáng có.
Cụ thể do chưa có thuyền trưởng, máy trưởng, hoặc có nhưng sử dụng bằng cấp không phù hợp. Có tàu không bố trí thợ máy trực 24/24 giờ, để nước ngập máy tàu dẫn đến hỏng máy phát điện, máy bơm điện. Có tàu dùng nhiên liệu nhiều cặn, không đảm bảo chất lượng. Trong khi máy hiện đại, rất kén nhiên liệu, Công ty đã lưu ý chủ phương tiện sử dụng đúng chủng loại thì máy mới bền…
Về các vấn đề có liên quan đến Công ty Nam Triệu, ông Đặng Ngọc Oanh cam kết sẽ chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành, khắc phục sự cố, hư hỏng máy chính, máy phát điện, vỏ tàu cho các chủ tàu. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ ngư dân một phần chi phí trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa. Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ lưới vây sang nghề lưới chụp nếu các chủ tàu có đủ hồ sơ chuyển đổi nghề theo quy định. Ông Oanh cho biết, đến ngày 24-5, chuyên gia nước ngoài của các hãng máy sẽ về Bình Định kiểm tra thực tế, sau đó đề xuất với UBND tỉnh Bình Định biện pháp sử dụng máy tàu tốt nhất. Công ty Nam Triệu cũng thành lập 1 tổ sửa chữa bảo hành tàu thường trực tại Bình Định, khi các tàu ra khơi trở về sẽ nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện. |