Doanh nghiệp Nhà nước cần minh bạch thông tin, đổi mới quản trị
- Công khai tên các doanh nghiệp nhà nước ém thông tin
- Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tăng giá trị nghìn tỷ sau kiểm toán
Buổi tọa đàm cũng nhằm góp phần hướng tới tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra vào ngày 28-9 tới đây.
Dù chiếm chưa đến 1% tổng số lượng DN, nhưng các DNNN lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%.
Ngoài ra khu vực kinh tế này còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DNNN đã được Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện, trong đó có giải pháp về cổ phần hoá. Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số DNNN đã thực hiện cổ phần hoá nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bởi vốn của tư nhân.
Trong giai đoạn tới, Đảng, Quốc hội và Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN thực chất, hiệu quả hơn để huy động nguồn vốn từ tư nhân, thay đổi năng lực quản trị của DNNN, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong danh mục DNNN cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2016- 2020, Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần chi phối tại một số DNNN để đưa khối này giữ vị trí then chốt, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đã xác định.
Trong số 12 dự án đã có một số dự án có tín hiệu khởi sắc. |
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 461 kiến nghị của 18 bộ, cơ quan ngang bộ; 44 tập đoàn, tổng công ty và 46 địa phương gửi về hội nghị.
Các kiến nghị của các DN, bộ, ngành chủ yếu phản ánh những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, những đặc thù khi cổ phần hóa trong sắp xếp đất đai, xác định giá trị DN hay vấn đề sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là xử lý các vấn đề tồn tại khi thua lỗ của các tập đoàn kinh tế vừa qua.
"Có thể nói, đây là dịp để Chính phủ, các bộ ngành, các DN ngồi lại với nhau để bàn bạc tìm ra giải pháp làm sao đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng như tháo gỡ, xử lý những dự án tồn tại khác mà trong thời gian qua dư luận đang quan tâm" - ông Tiến nói.
Theo quy định, các DN cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, theo số liệu ông Tiến thông tin, hiện còn 700 DN đã cổ phần hóa song chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, gần 200 DN trong số này đang có kế hoạch niêm yết và gần 300 DN đang tiến hành thành trở thành công ty đại chúng. Số còn lại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát và công bố đại chúng, đối với các công ty đủ điều kiện niêm yết mà “chây ì” sẽ bị xử lý.
Theo ông Tiến, sau cổ phần hóa, các DN không làm tốt sẽ phải thúc đẩy lên thị trường chứng khoán. Sự giám sát quyết liệt của nhà đầu tư sẽ khiến DN đó phải thay đổi về quản trị và đảm bảo tính công khai minh bạch theo đúng thông lệ thị trường. “Công khai minh bạch các thông tin về tài chính và hoạt động của DNNN là nhiệm vụ hàng đầu,” ông Tiến khẳng định.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, “mập mờ thông tin” là căn bệnh cố hữu của các DNNN nói chung.
Trong bối cảnh hội nhập cùng với việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, hoạt động cổ phần hóa DNNN không nhấn mạnh vào công khai minh bạch và quản trị hiệu quả là không đúng yêu cầu đặt ra. Các DNNN cần thay đổi tư duy và cung cách làm việc, có như vậy mới tạo ra các hoạt động kinh doanh lành mạnh, công ty phát triển hiệu quả và bền vững.
Cùng quan điểm, ông Phùng Văn Hùng nhìn nhận: “Sau cổ phần hóa, các DN không muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán, không muốn công khai tình hình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động diễn ra trong một nhóm là điều không bình thường. Chính phủ cần phải xem xét từng DN cụ thể để có những giải pháp kịp thời yêu cầu các công ty này tuân thủ theo đúng các chủ trương và quy định của Nhà nước”.
Liên quan đến việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương, ông Đặng Quyết Tiến cho biết 12 đại dự án thua lỗ vẫn đang được tái cơ cấu, trong đó có 4 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất lại, 2 doanh nghiệp hoá chất có lãi. “Quá trình khắc phục 12 dự án thua lỗ đang được cơ cấu theo nhiều hướng khác nhau nhưng khó khăn vẫn còn phía trước và sắp tới sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi càng để lâu càng phát sinh nhiều vấn đề. Có thể có dự án phá sản, có thể có dự án không thể khôi phục được", ông Tiến thông báo. |