Điện thiếu, nhiều nhà máy điện mặt trời vẫn không được phát hết công suất

Thứ Năm, 11/07/2019, 08:12
Một điều hết sức nghịch lý là trong khi ngành Điện liên tục khuyến cáo về tình trạng thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng, thì các dự án phát điện sạch lại không được chạy hết công suất.


Lý do, hạ tầng truyền tải, hạ tầng đấu nối từ các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia tại Trung tâm Năng lượng tái tạo Ninh Thuận không theo kịp các dự án phát triển nguồn điện. 

Ngày 9-7, trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Thành đã thông tin về những giải pháp để có thể giải tỏa 2.000 MW điện từ các dự án điện sạch tại Ninh Thuận từ nay đến năm 2020.

Theo ông Thành, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi và thu hút được 19 dự án đầu tư phát triển điện gió với quy mô công suất 1.043 MW. Trong đó 11 dự án đã được cấp quyết định đầu tư với tổng quy mô công suất 630 MW, vốn đầu tư là 22.176 tỷ đồng. Đến ngày 30-6, tại Ninh Thuận đã có 3 dự án điện gió chính thức đưa vào vận hành với tổng công suất đạt 117 MW. 

Hạ tầng truyền tải, đấu nối tại Ninh Thuận hạn chế là rào cản cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời.

Về điện mặt trời, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cho 56 dự án, tổng công suất đạt 3.651 MW. 

Trong số này cũng đã có 30 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất khoảng 1.966 MW. 

Hiện đã có 15 dự án với tổng công suất 1.063 MW chính thức đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, việc giải phóng công suất cho 15 dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo thông tin từ các chủ đầu tư, hiện có đến 9/15 dự án phải giảm công suất phát đến 60% để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Trong khi các dự án điện mặt trời đã hoàn thành đưa vào khai thác chưa được phát hết công suất, thì theo các chủ đầu tư dự án, dự kiến đến cuối năm nay tại Ninh Thuận sẽ có thêm 4 dự án điện sạch với tổng công suất 140 MW và năm 2020 có 12 dự án, tổng công suất 614MW tiếp tục được đưa vào vận hành.

Nguồn phát điện sạch dồi dào, nhưng hiện trang lưới điện và khả năng chịu tải, giải tỏa công suất lưới điện hiện hữu khu vực tỉnh Ninh Thuận lại khá hạn chế. 

Về lưới điện, hiện cấp lưới truyền tải 220KV chỉ có 1 công trình; cấp truyền tải lưới điện 110kV cũng chỉ có 5 công trình nên khả năng truyền tải và giải tỏa công suất chỉ đáp ứng khoảng từ 800MW. Trong khi hiện Ninh Thuận đã có khoảng 1.180MW dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành. 

Thực trạng này gây quá tải lưới điện 110kV, khiến các dự án phải thực hiện giảm công suất phát đến 60% để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. 

Quá tải, nhưng hầu hết các danh mục phát triển lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII đều được ngành Điện dự kiến triển khai sau năm 2020. Từ đó, việc giải phóng công suất 2.000MW đến hết năm 2020 tại Ninh Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Thành cho biết, để giải tỏa công suất 2.000 MW từ các dự án điện sạch tại Ninh Thuận trước năm 2020, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận kíến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch bố trí vốn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình truyền tải được dự kiến hoàn thành trong năm 2019 và 2020. 

Đồng thời chỉ đạo EVN điều chỉnh tiến độ đầu tư các công trình đường dây và trạm biến áp 500kV, 220kV vận hành trong năm 2020, gồm 5 công trình đường dây và trạm biến 220kV; 3 công trình đường dây và trạm biến 500kV. 

Nhằm tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện trong công tác thỏa thuận tuyến, vị trí trạm và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Tuy nhiên, theo ông Thành, EVN cần tập trung chỉ đạo, yêu cầu các Ban quản lý dự án; đơn vị tư vấn; các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Trước mắt cần tập trung đầu tư nâng cấp, thay mới dây dẫn, nâng tiết diện dây dẫn đối với các đường dây 110kV, 220 kV hiện hữu.

Bảo Sơn
.
.
.