Công khai, minh bạch thông tin để “thúc” cổ phần hóa

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:36
Đây là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính khi nói về các giải pháp thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn Nhà nước tại các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Dù được đánh giá là chất lượng CPH được nâng lên, nhưng điệp khúc chậm và chưa đạt kế hoạch vẫn chưa khắc phục được.


Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 20-12-2017 đã có 45 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó, tổng giá trị thực tế DN là 213.747 tỷ đồng - gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các DN đã CPH trong năm 2016.

Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 88.390 tỷ đồng - gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các DN đã CPH năm 2016; Tổng vốn điều lệ theo phương án CPH được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 42.007 tỷ đồng (chiếm 44,7% tổng vốn điều lệ); Bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.346 tỷ đồng (chiếm 38,7% tổng vốn điều lệ); Bán cho người lao động 354 tỷ đồng (chiếm 0,37% tổng vốn điều lệ); Bán cho tổ chức Công đoàn 20 tỷ đồng (chiếm 0,02% tổng vốn điều lệ); Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 15.159 tỷ đồng (chiếm 16.14% tổng vốn điều lệ).

Đánh giá từ cơ quan quản lý cho thấy, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả thực hiện. Trong năm 2017, mặc dù số lượng DN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều, tuy nhiên chất lượng CPH đã được tăng lên thể hiện ở giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN và tổng giá trị thực tế DN của các DN CPH năm 2017 đều tăng gấp 3,5-6 lần các DN đã CPH năm 2016.

Một số lãnh đạo DNNN bị bắt không làm ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận việc thực hiện CPH, cơ cấu lại DNNN còn chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra. Cộng với các thông tin nóng về việc khởi tố nguyên lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Dầu khí… khiến cho nhiều người lo ngại quá trình CPH tại các DN này cũng như CPH DNNN nói chung bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến-Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định CPH không bị ảnh hưởng bởi việc các lãnh đạo bị khởi tố. “Những vi phạm này từ lâu rồi, xảy ra ở những DN khác, không liên quan đến những DN CPH.

Chẳng hạn như tại Tập đoàn Cao su, theo tôi biết, sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Cao su là do cá nhân, tập đoàn đã có thông tin rõ. Cá nhân làm cá nhân chịu. Năm nay lợi nhuận của Tập đoàn Cao su vẫn tốt, nên việc CPH vẫn được đảm bảo” - ông Tiến cho biết.

Chỉ ra những nguyên nhân gây chậm tiến độ CPH và thoái vốn DNNN tại các DNNN, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số Tập đoàn, Tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, CPH và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai cơ cấu lại DNNN nói chung và thực hiện CPH, thoái vốn nói riêng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN năm 2017 của cả nước.

Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau khi CPH chưa thực hiện nghiêm túc khi có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là chậm chuyển giao các DN sau CPH về SCIC.

Ông Tiến cho biết trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn tại các DNNN, cơ quan quản lý tiếp tục rà soát các luật và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới. Sớm thành lập “Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN” làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN.

Ông Tiến dẫn chứng, với một đơn vị chuyên nghiệp như SCIC sẽ giúp tiến trình CPH được nhanh hơn và đạt hiệu quả tốt hơn thay vì để các DN hoặc cơ quan chủ quản trực tiếp thực hiện. Ông Tiến cũng nhấn mạnh một trong những nội dung hết sức quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình CPH là công khai, minh bạch thông tin trong tiến trình CPH nhằm thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra được nâng cao sẽ giúp cảnh báo trước những rủi ro và hạn chế tối đa các thiệt hại do những sai phạm trong tiến trình này…

Lệ Thúy
.
.
.